01:18 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu hàng hoá qua sàn thương mại điện tử

Văn Minh | 09:32 23/04/2023

(THPL) - Hiện nay, thương mại điện tử đang dần trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng lên tới 20% trong năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu online mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Do đó Việt Nam còn nhiều dư địa khi xuất khẩu hàng hoá qua các sàn thương mại điện tử.

Xuất khẩu online của Việt Nam tăng trưởng ổn định

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam từng nhận định, xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới hay còn gọi là xuất khẩu online của Việt Nam năm 2022 có tốc độ tăng trưởng khá cao.

Cụ thể, theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), thuộc Bộ Công Thương công bố, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam tăng trưởng 20% trong năm 2022. Đặc biệt, 82% doanh nghiệp được khảo sát có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ xuất nhập khẩu. Sách trắng cũng nhận định sự bùng nổ thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian gần đây đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đi liền với nhiều chính sách, cập nhật mới cho ngành thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Còn theo báo cáo của Alphabeta, thương mại điện tử xuyên biên giới cho thấy tiềm năng lớn về quy mô tăng trưởng tại Việt Nam trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng dự kiến hơn 20%/năm.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng rất khả quan nhưng hiện kim ngạch xuất khẩu online mới chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do đó dư địa xuất khẩu online của Việt Nam còn rất lớn.

Thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam tăng trưởng 20% trong năm 2022. Ảnh: Internet

Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam cho biết thêm, khi xây dựng mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp trực tiếp bán hàng cho khách quốc tế, do đó để có được sự tăng trưởng bền bỉ và dài lâu, họ phải xây dựng được thương hiệu riêng. Đã có rất nhiều nhà bán hàng nghiêm túc xây dựng và phát triển thương hiệu. Không chỉ làm sao để sản xuất sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, còn phải làm sao xây dựng thương hiệu để không dừng lại ở xuất khẩu sản phẩm “Made-in-Vietnam” mà còn xuất khẩu “thương hiệu toàn cầu đến từ Việt Nam”.

Đồng thời, chuyển đổi số và nâng cấp số liên tục để thích ứng nhanh và đủ sức phục hồi trước biến động. Quá trình này không chỉ bao gồm số hoá, thông minh hoá cơ sở hạ tầng và thiết bị sản xuất, số hoá quy trình quản lý, mà còn là tính linh hoạt và khả năng thích ứng trong sản xuất để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng cũng như số hóa hoạt động của người dùng.

Cuộc đua đầu tư logistics cho thương mại điện tử

Trong thương mại điện tử, hệ thống logistics đóng vai trò kết nối đầu cuối của toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng và khi hệ thống logistics hiệu quả sẽ là "chìa khóa" tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Tuy vậy, trong báo cáo thương mại điện tử năm 2023 vừa công bố mới đây có chỉ ra, chi phí logistics trong thương mại điện tử ở hiện tại vẫn còn khá cao.

Theo đó, chi phí logistics tại các doanh nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành, dao động từ 10% đến 20%. Trong chi phí logistics, chi phí vận chuyển có tỷ lệ đóng góp cao nhất khoảng từ 60% đến 80%, ngoài ra còn có các chi phí khác như xếp dỡ, lưu kho, chia đơn hàng...

Việt Nam còn nhiều dư địa khi xuất khẩu hàng hoá qua sàn thương mại điện tử. Ảnh: Internet

Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển nhanh với số lượng giao dịch trong ngày của các sàn thương mại điện tử lên đến hàng chục nghìn đơn hàng, đòi hỏi hệ thống logistics phục vụ cho ngành tăng lên.

Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường, các doanh nghiệp logistics đang có xu hướng tăng cường đầu tư vào mảng logistics bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo AI, Internet of Things (IoT) và blockchain để tối ưu hóa hoạt động logistics. Các công nghệ này được ứng dụng tập trung vào việc cải thiện độ chính xác, giảm thời gian và chi phí của quy trình vận chuyển, quản lý kho và phân phối hàng hóa, qua đó cải thiện hiệu quả chi phí vận hành mà vẫn đảm bảo được chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn mở rộng tìm kiếm các đối tác logistics đáng tin cậy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nhân lực chất lượng để đảm bảo hoạt động logistics được thuận lợi và hiệu quả.

Đơn cử BEST Express hiện có 42 trung tâm phân loại tự động lớn nhỏ trên cả nước, giúp rút ngắn thời gian giao vận liên tỉnh. Trong đó, hai điểm phân loại tại Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và Từ Sơn (Bắc Ninh) có quy mô lớn nhất nhì của tập đoàn BEST Inc. tại Đông Nam Á. Tổng diện tích kho bãi BEST Express đang khai thác đã tăng lên hơn 100 ha.

Hay như Lazada Logistics Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Lazada mới đây cũng đã khánh thành Lazada Logistics Park với tâm điểm là Trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao có quy mô hiện đại nhất, tại khu công nghiệp Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương. Với tổng diện tích lên tới gần 20.000m2, Trung tâm phân loại mới có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ hệ thống công nghệ hiện đại gồm Trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning (học máy), giúp tối ưu hiệu suất và nguồn lực vận hành, qua đó, đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng cao của người dùng.

Ngoài Lazada thì Shopee cũng đã đầu tư được 3 trung tâm ở Việt Nam. Theo đại diện của Shopee, tại các kho chia chọn này, được tọa lạc ở các vị trí chiến lược để đảm bảo hàng hóa lưu thông 24/24. Ngoài ra, trong kho cũng đầu tư công nghệ hiện đại để phân loại theo từng loại hàng hóa, ví dụ như kho làm mát, kho lưu trữ hàng giá trị cao.

Kiểm soát chặt sản phẩm vi phạm trên sàn thương mại điện tử

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, thời gian qua đã có một số đối tượng lợi dụng sàn giao dịch để kinh doanh các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng các quy định pháp luật.

Qua kiểm tra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện có 4.516 gian hàng vi phạm và gỡ bỏ 13.642 sản phẩm. Ảnh minh hoạ

Trước thực trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có công văn yêu cầu các công ty có website/ứng dụng thương mại điện tử kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng các quy định pháp luật.

Tính đến thời điểm này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện có 4.516 gian hàng vi phạm và 13.642 sản phẩm đã được gỡ bỏ. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng yêu cầu các website thương mại điện tử tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, xác minh thông tin và gỡ bỏ các sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng các quy định pháp luật đang được rao bán trên website...

Hiện nay, trước những biến đổi của nền kinh tế thị trường và sự xuất hiện của xu hướng tiêu dùng mới, điều cốt lõi nhất để các sàn thương mại điện tử chạm đến mục tiêu phát triển bền vững là thấu hiểu người mua hàng lẫn các đối tác thương hiệu. Công nghệ tiên tiến, chiến lược kinh doanh thông minh là giải pháp hữu hiệu góp phần mang đến những trải nghiệm tinh tế và giá trị thiết thực.

Văn Minh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu