07:46 ngày 13/11/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thống đốc NHNN lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC

14:25 11/11/2024

(THPL) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng, NHNN cung hàng và chưa đặt vấn đề mua lại, cũng như NHTM Nhà nước bán vàng chủ yếu thực hiện giải pháp cung vàng.

Ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Phiên chất vấn nằm trong khuôn khổ tuần làm việc thứ 4 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (từ ngày 11/11 đến 13/11) do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành chất vấn.

Trước khi trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, kể từ Kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XV) - Kỳ họp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn các đại biểu đến nay, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng. Căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.

Trước bối cảnh khó khăn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành, Trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, các cơ quan báo chí.

Ngân hàng Nhà nước đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp chính sách với liều lượng, thời điểm hợp lý với từng bối cảnh, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động ngân hàng không tránh khỏi thiếu sót, tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục nhận diện để khắc phục, tiến tới điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo một số vấn đề liên quan tới nội dung chất vấn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặt câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) cho biết, ngày 14/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp bàn về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Trong đó, giao cho Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp để bình ổn và quản lý thị trường. Đại biểu Lưu Văn Đức đề nghị Thống đốc Ngân hàng cho biết thời gian qua đã thực hiện yêu cầu trên như thế nào và tác động đến giá vàng và thị trường vàng trong hiện tại và tương lai ra sao?

Trả lời chất vấn các đại biểu về bình ổn giá vàng và thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thị trường vàng của Việt Nam biến động cũng là diễn biến chung của các nước trên thế giới. Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao, theo đó, giá vàng trong nước cũng diễn biến tăng cao.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa can thiệp. Từ tháng 6/2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt.

Trên cơ sở pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu. Song trong bối cảnh giá vàng lập đỉnh cao và tâm lý kỳ vọng của thị trường cũng rất cao, để thực hiện thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương án bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và công ty SJC. Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng.

Chỉ rõ diễn biến vàng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp tùy thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu vàng quốc tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường để đưa ra các chính sách phù hợp để ổn định thị trường vàng.

Cũng liên quan tới thị trường vàng, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết vừa qua việc bán vàng miếng bình ổn được nhân dân ủng hộ, nhưng ngân hàng bán mà không mua, ngân hàng không mua thì cửa hàng không mua.

Cùng với đó, bán vàng miếng chỉ diễn ra ở TP HCM và Hà Nội, "tại sao không mở rộng ra cả nước. Ngoài ra, người dân gửi tiền USD vì sao chỉ được hưởng lãi suất 0%" - Đại biểu Hòa đặt vấn đề.

Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ bán mà không mua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cung vàng miếng ra thị trường vì Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh nhu cầu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cung vàng và chưa đặt vấn đề mua lại. Còn đối với các Ngân hàng thương mại Nhà nước, khi bán vàng trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu thực hiện giải pháp để tăng cung vàng.

Đối với hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng, hiện nay đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. Việc doanh nghiệp không mua vàng cá nhân có thể vì một vài lý do như cân đối tiền.

Về lý do vì sao chỉ bán ở thành phố Hà Nội và TP.HCM, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc ở địa điểm nào.

“Bản thân các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá nhu cầu của các tỉnh thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng. Qua tổng hợp nhu cầu mua bán chủ yếu , thực tế nhu cầu chủ yếu ở Hà Nội, TP. HCM và các thành phố lớn, còn các tỉnh thành khác không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng”, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết.

Cũng tại buổi chất vấn, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay thế giới có nhiều nước thị trường phát triển cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. Đại biểu hỏi, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không?

Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải. Nhưng cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải là sản xuất vàng. Vậy nên khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế.

Theo bà Hồng, để lập sàn giao dịch vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ ở thời điểm phù hợp và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Minh Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu