22:59 ngày 02/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thị "cô Tấm” xuống phố, giá đắt đỏ vẫn cháy hàng

11:20 12/08/2023

(THPL) - Được nhiều người dân Thủ đô săn đón, giá thị năm nay đã có nhiều biến động, dao động từ 150.000 - 200.000 nghìn đồng/kg, loại cả cành có giá 250.000-300.000 nghìn đồng.

Thời tiết bắt đầu vào thu cũng là lúc hoa quả theo mùa lại được bày bán khắp nơi trên mảnh đất Hà Thành. Đi dạo một vòng trên các tuyến phố, không khó để bắt gặp những gánh thị vàng ươm như nắng thu, căng mịn thoảng hương thơm ngát. 

Khác với mọi ngày, chị Nguyễn Thị Hồng (một người bán thị trên phố Hàng Giấy) cho biết: Hôm nay chị phải thức dậy từ lúc 4h sáng, để ra vườn tự tay hái những trái thị vàng ươm, thơm ngào ngạt…bán cùng mâm hoa lễ cổ truyền cho người dân Hà Nội.  

Chị Nguyễn Thị Hồng - một người bán thị trên phố Hàng Giấy 
Những giỏ bằng cói, nứa đựng quả thị, trang trí thêm hoa trông rất đẹp mắt 
Một giỏ chỉ làm trong 3-5 phút, giá trung bình dao động từ 160.000-250.00 nghìn đồng trở lên.

Vượt quãng đường hơn 20km từ Hoài Đức, đồng hồ điểm đúng 6 giờ 30 cũng là lúc chị Hồng đã có mặt ở Hàng Giấy, bắt đầu ngày mới cùng gánh hoa quả lễ. Đôi tay thoăn thoắt bắt đầu xếp từng mâm hoa lễ, chị Hồng chia sẻ: “Khoảng vài năm trở lại đây, cứ vào mùa quả thị là người dân Hà Nội lại đua nhau đi tìm những quả thị cô Tấm thơm. Đặc biệt là những mâm hoa lễ kết hợp cùng quả thị, giá từ 150.000 nghìn đồng, tuỳ thuộc độ to nhỏ mà sẽ có mức giá khác nhau”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, năm nay chị Hồng đã cải tiến đặt những giỏ bằng cói, nứa đẹp mắt đựng quả thị, trang trí thêm hoa ngọc lan…Chị nói: “Đa số khách hàng đều mua thị đem đi biếu, tặng hay trưng trong phòng khách, cơ quan…Một giỏ chỉ làm trong 3-5 phút, giá trung bình dao động từ 160.000-250.00 nghìn đồng trở lên”. 

Trung bình một ngày chị Hồng tiêu thụ ra thị trường Hà Nội từ 20-40kg, giá thị năm nay cũng cao hơn rất nhiều so với mọi năm. Thị phổ biến với 2 loại là thị sáp và thị tròn, giá thì đều ngang nhau nhưng mỗi loại lại có một ưu điểm riêng. 

Để thấy rõ sự khác biệt giữa 2 loại thị, chị Hồng chỉ vào từng loại: “Thị sáp là những quả dẹt, nhỏ đều nhau, hạt lép thơm nức mũi. Thị quả tròn to bằng nắm tay người lớn, nhiều nơi còn gọi là thị muộn nhưng hương thơm lại không bằng”. 

Thị phổ biến với 2 loại là thị sáp và thị tròn, giá thì đều ngang nhau nhưng mỗi loại lại có một ưu điểm riêng. 
Đôi tay thoăn thoắt bắt đầu xếp từng mâm hoa lễ của chị Hồng
Nhiều người vẫn hay gọi quả thị là “trái cổ tích” vì nó gắn liền với truyện Tấm Cám kinh điển mà người Việt Nam nào cũng biết

Chuẩn bị cho tiệc quan lớn Hoàng Bảy và lễ Vu lan báo hiếu, chị Nguyễn Yến Chi (35 tuổi, quận Hoàn Kiếm) lại chọn dâng lễ bằng những lãng thị thơm, vừa là bày tỏ lòng thành kính với bề trên, vừa là để nhớ về tuổi thơ đã gắn bó với cây thị “cô Tấm”. Chị Yến Chi chia sẻ: “Cứ vào mùa Thu Hà Nội, tôi lại tới Hàng Giấy để chọn mua mâm hoa lễ, quả thị tươi vàng óng ánh, đây cũng như một thói quen của rất nhiều người dân Thủ đô. Tôi thường chọn những quả xanh hoặc vừa chín tới sẽ để thơm khoảng 5-6 ngày”. 

Nhiều người vẫn hay gọi quả thị là “trái cổ tích” vì nó gắn liền với truyện Tấm Cám kinh điển mà người Việt Nam nào cũng biết. Những quả thị vào mùa "xúng xính" áo vàng, vỏ căng mướt thoang thoảng hương thơm đặc trưng như níu kéo người đi đường phải dừng xe mua vài trái đem về nhà cho trẻ con thành phố biết “quả thị cô Tấm” tròn méo ra sao. Thường thì người mua trái thị không bao giờ ăn, mà chỉ để...ngửi bởi "lời nguyền" ngàn năm từ câu chuyện cổ tích xa xưa: “Thị ơi, thị rơi bị bà...Bà để bà ngửi chứ bà không ăn...”.

Quốc An (bài,ảnh)

 

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu