03:25 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể sẽ vượt Trung Quốc

Nam Phong | 13:53 01/12/2018

(THPL) - Nếu năm nay Trung Quốc chỉ đạt tăng trưởng 6,6% và Việt Nam đạt từ 6,7% trở lên thì có lẽ đây là lần hiếm hoi trong 30 năm qua Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cập nhật tháng 10/2018 của IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu 0,2 điểm phần trăm so với dự báo của 2 lần trước đó trong tháng 4 và tháng 7, xuống còn 3,7% năm nay và năm 2019, tức tương đương năm 2017.

Các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay và giảm còn 2,1% trong năm 2019; các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi vẫn cũng duy trì tăng trưởng 4,7% trong năm 2018 và 2019 như năm 2017. 

Điều thú vị là nếu năm nay Trung Quốc chỉ đạt tăng trưởng 6,6% và Việt Nam đạt từ 6,7% trở lên thì có lẽ đây là lần hiếm hoi trong 30 năm qua Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,98% và đến lúc này có thể nói chắc chắn đã hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ 6,5-6,7%.

Phân tích đóng góp vào tăng trưởng GDP từ phía tổng cung cho thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%, riêng ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng trưởng lên đến 12,65% - tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.

Nhìn từ phía tổng cầu, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,09% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,71%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,52%; nhập khẩu tăng 14,22%. Tổng đầu tư trong nền kinh tế chiếm 34% GDP, trong đó tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và FDI đều tăng, trong khi tỷ trọng đầu tư khu vực nhà nước lại giảm so với các năm trước.

Sức cầu của khu vực hộ gia đình cũng tăng trưởng khá cao, đạt trên 11% cùng kỳ trong những tháng gần đây và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng cuối năm nhưng mức tăng trưởng sẽ giảm theo quy luật trong những tháng đầu 2019.

Tăng trưởng cao đặt ra nhiều sức ép lên lạm phát và thực tế áp lực đã hiện hữu trong 6 tháng đầu năm cho đến khi dịu trở lại trong quý 3 vừa rồi. Chỉ số CPI bình quân 10 tháng 2018 đã tăng 3,6% so với bình quân cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản bình quân chỉ tăng 1,43% so với cùng kỳ cho thấy yếu tố gây sức ép lên lạm phát chủ yếu do giá hàng hóa cơ bản và năng lượng hơn là yếu tố tiền tệ.

Năm 2018 gần khép lại và một kế hoạch cho năm 2019 đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ 6,6-6,8%, tức tăng thêm 0,1 điểm phần trăm so với mục tiêu của năm 2018. Điều thú vị không chỉ là chúng ta đặt mục tiêu ngược dòng kinh tế thế giới theo dự báo mà chính là các mục tiêu kinh tế khác gần như không đổi so với mục tiêu năm trước.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục duy trì trong khoảng từ 33-34% GDP, kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Chính phủ có thể có cơ sở để lạc quan với mục tiêu này, tuy nhiên với dự báo kinh tế thế giới 2019 như đã phân tích ở trên cộng với nhiều trục trặc về mặt cơ cấu vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là các thách thức từ phía thị trường tiền tệ và ngoại hối, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng trong việc xác định mục tiêu tăng trưởng của mình trong năm 2019.

Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động cập nhật và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình phù hợp với các kịch bản kinh tế trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với sức ép lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong năm tới là không nhỏ, do vậy cần chú ý quản lý đòn bẩy tài chính, đặc biệt là các khoản vay dài hạn có lãi suất thả nổi, hạn chế vay ngắn hạn đầu tư dài hạn; đồng thời cũng chú ý các khoản vay nợ bằng ngoại tệ (trái phiếu quốc tế...), đặc biệt đối với DN không có nguồn thu bằng ngoại tệ trực tiếp; tăng cường năng lực quản trị tài chính, sử dụng công cụ bảo hiểm rủi ro ví dụ các công cụ phái sinh.

Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, song cũng cần cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại, vấn đề nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Về dài hạn, cần tăng cường đầu tư R&D, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện năng lực cạnh tranh.

Nam Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu