20:57 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những rủi ro ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng

11:04 01/12/2018

(THPL)- Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thế nhưng vẫn còn những rủi ro ảnh hưởng đến sự tăng trưởng này.

Đây là nhận định của các chuyên gia, diễn giả tại Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu Bất động sản” lần thứ 2 do Báo Thương gia và Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam phối hợp tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào chiều ngày 30/11/2018.

Các chuyên gia, diễn giả cùng đưa ra các nhận định tại Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu Bất động sản” lần thứ 2.

Được biết, đây là hội thảo thường niên nằm trong chuỗi hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư” được tổ chức định kỳ mỗi quý 1 lần. Tham dự Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản” có các khách mời: ông Bùi Quang Tín - chuyên gia Kinh tế Tài chính thuộc Đại học Ngân hàng TP.HCM; ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA); ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam; ông Trương Hiền Phương - Giám đốc môi giới Chi nhánh TP.HCM, cùng các lãnh đạo của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Phát biểu tại hội thảo, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam nhận định, hoạt động bất động sản luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, khi điều kiện nguồn cung hạn chế vì thủ tục kéo dài, quỹ đất sạch ngày càng thu nhỏ, hay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sau bàn giao đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ của thị trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư thế giới.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cũng khá lạc quan khi các nhà phát triển BĐS có những chiến lược kết hợp để tận dụng thế mạnh của nhau. Đồng thời, đà tăng trưởng từ chính sách cũng góp phần vào sự hồi phục đáng kể của thị trường giao dịch, dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản.

Theo ông Khương chia sẻ: “Bước vào quý 4/2018 cũng như quý 1/2019, số lượng giao dịch chung cư, nhà liền kề và đất nền dự báo tăng trưởng và có khả năng cải thiện đáng kể doanh thu, lợi nhuận của các công ty bất động sản. Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất là việc các cổ phiếu nhóm ngành bất động sản niêm yết trên thị trường dần thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của dòng tiền.”

Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, cổ phiếu bất động sản cũng được chú ý từ những mã có vốn hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ, với dư địa phát triển khá tiềm năng. Theo các đánh giá chung, trong 5 năm qua từ 2014 đến 2018, cổ phiếu hai ngành ngân hàng và bất động sản đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi VN-Index chỉ ở mức hai con số.

Tại hội thảo, cũng có một số ý kiến cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thế nhưng vẫn còn những rủi ro ảnh hưởng đến sự tăng trưởng này, điển hình như chiến trang thương mại Trung-Mỹ vẫn đang gay gắt. Vì vậy, nếu cuộc chiến tranh thương mại vẫn cứ tiếp tục thì nền kinh tế Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản, thì cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường bất động sản xảy ra bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TS.Bùi Quang Tín nêu ra những tác động của chính sách tài chính lên thị trường BĐS.

Theo Chuyên gia Kinh tế Bùi Quang Tín: “Ngân hàng quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 45% xuống 40, đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản từ mức 150% lên 200%. Chính điều này sẽ khiến vốn tín dụng vào bất động sản sẽ hẹp hơn.”

Thế nhưng, ông Tín vẫn khẳng định, trong chính sách vốn từ thị trường chứng khoán, vị thế của thị trường tài chính Việt Nam hứa hẹn sẽ tác động đến khả năng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường. Nhất là khi nguồn vốn FDI đổ vào lĩnh vực BĐS tiếp tục có chiều hướng tăng cao trong thời gian tới và khá đa dạng, từ phát triển nhà ở đến sản xuất công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và du lịch.

Anh Thư

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu