03:29 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Sầu riêng Việt còn nhiều tiềm năng tại thị trường Trung Quốc

10:07 11/03/2024

(THPL) - Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.

Năm 2023, xuất khẩu rau, củ, quả và sản phẩm chế biến của các nước vào Trung Quốc đạt 24,4 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường này. Đứng vị trí thứ 2 là Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của Việt Nam tại Trung Quốc tăng gần gấp đôi từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023 và soán luôn vị trí thứ 2 của Chile (quốc gia này tụt xuống vị trí thứ 3 với kim ngạch 3,2 tỷ USD).

Theo ông Đặng Phúc Nguyên nhận định: "Lâu nay Thái Lan vẫn luôn chiếm vị trí số 1 trong số những đối tác cung cấp rau quả cho thị trường tỉ dân Trung Quốc, tiếp theo sau là Chile, giữ vị trí thứ 2 trong suốt nhiều năm qua. Thế nhưng vị trí của Chile mới đây đã bị Việt Nam vượt mặt. Nhìn lại tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong những năm qua, đây là một thành tích rất đáng tự hào của ngành rau quả Việt Nam".

Cụ thể theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2019 mới đạt 2,5 tỷ USD, sau đó vì dịch Covid-19 đã giảm xuống còn 1,7 tỷ USD, đến năm 2022 tụt xuống chỉ còn 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, Chile là quốc gia xuất khẩu trái cây nổi tiếng, với những mặt hàng đứng đầu thế giới như cherry, kiwi, nho, lê, việt quất… Đặc biệt, sản lượng cherry của Chile đã tăng từ 95.000 tấn vào năm 2017 lên đến trên 350.000 tấn năm 2022. Chỉ riêng tại thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu cherry của Chile đã mang về xấp xỉ 2,5 tỷ USD/năm. Dù Chile là đối thủ đáng gờm nhưng từ khi trái sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc đón nhận, bảng xếp hạng thị phần lẫn kim ngạch đã có sự thay đổi.

Mặt hàng sầu riêng đã giúp trái cây Việt Nam vượt qua Chile, chiếm vị trí thị phần lớn thứ 2 tại Trung Quốc. Ảnh minh hoạ

Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023 đánh dấu sự phát triển vượt bậc tại thị trường Trung Quốc, vốn đang chiếm đến 65% thị phần xuất khẩu trái cây, rau quả Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu mít tăng 44,6%, xoài tăng 44,2%, ớt tăng 34,5%... Trong đó, chỉ với mặt hàng sầu riêng, Trung Quốc đã nhập xấp xỉ 500.000 tấn từ Việt Nam với trị giá gần 2,5 tỷ USD. Mặt hàng sầu riêng của Việt Nam không những làm giảm đi thị phần trái cây của Chile tại thị trường Trung Quốc mà còn chia sẻ luôn thị phần của Thái Lan, bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước này sang Trung Quốc đã giảm 2% trong năm 2023 so với năm trước đó, tương đương giảm gần 500 triệu USD.

Cũng liên quan đến trái sầu riêng, trước đó Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu sầu riêng chính ngạch thì dự báo giá trị của trái cây này chỉ đạt hơn 1 tỷ USD nhưng kết thúc năm 2023 đã đạt gần 2 tỷ USD.

Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ thống nhất và ký nghị định thư.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích sầu riêng tăng liên tục từ 2010 đến nay. Bình quân mỗi năm, diện tích trồng sầu riêng tăng 24,5% - mức tăng trưởng rất cao. Đặc biệt, Tây Nguyên là khu vực có diện tích sầu riêng tăng nhanh nhất.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt, cho rằng việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu; dư thừa, dội chợ. Theo ông, nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như nhiễm mặn, phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín sản phẩm của hàng Việt nói chung. Do đó, hồi đầu năm, Cục đã gửi thông báo tới các địa phương để cảnh báo về việc phát triển "nóng" cây sầu riêng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá việc kinh doanh và sản xuất sầu riêng vẫn còn nhiều nút thắt: như việc chưa liên kết tốt giữa nhà vườn, thương lái và doanh nghiệp sản xuất; nguồn nhân lực chuẩn, thương hiệu chưa mạnh; hạ tầng chế biến chưa đáp ứng; có tình trạng cạnh tranh, chơi xấu trong thu mua. Do đó, nếu mở rộng diện tích quá nhanh, rủi ro sẽ rất lớn.

Để kiểm soát được chất lượng, thương hiệu của sầu riêng và ổn định đầu ra cho sản phẩm, Cục trồng trọt và các Sở nông nghiệp khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự ý chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng...

Ngoài thị trường Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) từng nhận định, trái cây và rau Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) vì quy mô thị trường chiếm tới 43% trị giá thương mại trái cây và rau toàn cầu. Bên cạnh đó, EU là thị trường có nhu cầu tiêu dùng trải đều trong năm và phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu từ bên ngoài. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp xóa bỏ đến 94% các dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10 - 20%), tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với Thái Lan và Trung Quốc.

Tuy nhiên, để thâm nhập thành công thị trường EU, các mặt hàng rau, củ, quả của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường. Sản phẩm rau, củ, quả xuất khẩu vào thị trường EU cần đảm bảo an toàn thực phẩm, tiện lợi và có giá trị gia tăng về hương vị. Sản phẩm phải được sản xuất theo quy trình bền vững, ít phát thải và có trách nhiệm xã hội.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu