20:02 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Cơ hội xuất khẩu trái mít non vào thị trường EU

14:51 22/11/2022

(THPL) - Hiện nay, tại một số quốc gia, mít non được biết đến là một trong những loại nguyên liệu được ưa chuộng để làm thịt thực vật. Theo đó, trái mít non có nhiều cơ hội tăng trưởng tại thị trường EU.

Trái mít non được bày bán rất nhiều và tiêu thụ tốt tại Bắc Âu vì xu hướng tiêu dùng của thị trường này là giảm các sản phẩm từ thịt động vật, tăng sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Điều này cho thấy dù thị trường EU đã được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác từ lâu nhưng dư địa tăng trưởng còn rất nhiều nếu nắm bắt được xu hướng.

Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đối với thịt thực vật tăng cao khiến các nhà sản xuất tích cực đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cho sản phẩm, trong đó có nguồn nguyên liệu mít non. Bởi vì mít non có độ dai tương tự như thịt, đồng thời có khả năng hấp thụ gia vị tốt, có thể sử dụng trong chế biến thịt thực vật.

Về triển vọng xuất khẩu mít non, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhận định, đây là một loại sản phẩm khác của mít có tiềm năng khai thác lớn. Tuy nhiên, các nước EU đang nâng cao tiêu chuẩn, hướng đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng hữu cơ nên các doanh nghiệp xuất khẩu phải đầu tư bài bản, có thể tìm kiếm công nghệ từ đối tác EU để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu.

Cơ hội xuất khẩu trái mít non vào thị trường EU. Ảnh: Internet

Chuyên gia của BSA nhận định nhu cầu sử dụng mít non làm nguyên liệu cho các sản phẩm thực phẩm có tiềm năng lâu dài và có thể còn lớn hơn tiềm năng khai thác được từ mít tươi. Ở Ấn Độ, một trong những quốc gia có sản lượng mít lớn nhất, cũng đang thực hiện khai thác mít theo hướng trở thành nguồn nguyên liệu để chế biến thực phẩm.

Giá mít tươi xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm nay vào khoảng 0,4 – 0,42 USD/kg, tương đương 9.000 – 10.000 đồng/kg, nếu theo điều kiện DAF (Delivered At Frontier – giao hàng tại biên giới) có thời điểm đến 0,53 – 0,55 USD/kg, tương đương 12.000 – 13.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo dữ liệu mà BSA thu thập được, giá mít non xuất khẩu trung bình vào khoảng 2 – 2,1 USD/kg, tương đương 23.000 – 25.000/kg.

Trong những năm gần đây, hàng nông sản Việt Nam vào thị trường EU gia tăng do Việt Nam được hưởng mức thuế quan ưu đãi từ Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), là cơ chế ưu đãi thuế áp dụng để hỗ trợ các nước đang và kém phát triển xuất khẩu hàng hóa sang EU.

Cùng với đó, Hiệp định EVFTA mới ký kết là bước tiến cho Việt Nam trong quá trình tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất và phấn đấu tối đa hóa giá trị gia tăng nhận được. Đồng thời, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận, tiến hành trao đổi mua bán với những thị trường khác có thỏa thuận thương mại tự do với EU, có thêm một nguồn nhập khẩu với giá cả hợp lý và chất lượng tốt hơn.

EVFTA được ký kết đã tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động trao đổi thương mại để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn mà thị trường này đòi hỏi. Những cam kết trong các lĩnh vực như phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBTs), các biện pháp kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPSS)... đã có những tác động nhất định tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian vừa qua, được cho là sẽ có những tác động tích cực hơn, đem lại lợi ích đáng kể cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Tuấn Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu