06:30 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU

Tuấn Kiệt | 19:35 18/11/2022

(THPL) - Thời gian qua, việc tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng hiệu quả hơn. Dưới đây là một số điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu sang thị trường EU.

Trước khi có FTA, ngành gỗ đã có lợi thế về thuế khi xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, nếu không ký kết các FTA thì rất có thể mức thuế sẽ cao trở lại. Theo đó, khi tham gia các FTA, doanh nghiệp gỗ có nhiều lợi thế hơn so với các nước khác. Minh chứng là kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các thị trường đều giữ mức ổn định.

Với các yêu cầu về môi trường, về lao động hay nguồn gốc xuất xứ, mặc dù là rào cản kỹ thuật, tuy nhiên đây là cơ hội để nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Khi doanh nghiệp vượt qua được những yêu cầu này sẽ tạo ra bước tiến mới. 

Với cà phê, việc tham gia FTA đã tạo thuận lợi cho ngành cà phê, nhất là đối với các đối tác như châu Âu. Các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cũng nhận được rót vốn nhiều hơn cho đầu tư, sản xuất. Việt Nam được các doanh nghiệp EU tin tưởng và Việt Nam không bị đóng cửa sau đại dịch nên có thể đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh ổn định. Đây là điều các nhà nhập khẩu tin tưởng đánh giá cao.

Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU. Ảnh minh hoạ

Đối với công tác xuất khẩu rau quả, hiện Việt Nam đang ghi nhận một số lợi thế từ các FTA thế hệ mới. Các doanh nghiệp điển hình như khối EU đã hướng tới thị trường Việt nam nhiều hơn. Hiện Việt Nam có một lợi thế để xuất khẩu rau quả đó chính là người nông dân Việt Nam có thể tạo ra sản phẩm quanh năm. Bên cạnh đó, nhiều chương trình xúc tiến thương mại cũng được Bộ Công Thương triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp. 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp thích ứng nhanh với các cam kết từ FTA, Bộ Công Thương đã và đang tăng cường các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các cam kết cũng như quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giao thương; tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa.

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, cần xây dựng thương hiệu riêng cho mình, hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao năng lực chế biến. Ngoài ra, để tận dụng hiệu quả EVFTA mang lại, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, nhanh chóng tăng thị phần trong thị trường nhập khẩu nông sản của EU, trước khi EU triển khai ký kết FTA với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Việt Nam.

Hoạt động xuất khẩu cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 được dự báo đối diện một số khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như đứt gãy nguồn cung và giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao khiến cho nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU nguy cơ rơi vào suy thoái. Hơn nữa, việc lạm phát tăng cao, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cũng khiến nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng giảm.

Tuy nhiên, dữ liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu đang duy trì đà tăng trưởng cao 2 con số với kim ngạch tăng thêm hàng chục tỷ USD so với cùng kỳ 2021. Tính ra trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 312,94 tỷ USD, tăng 16%, tương ứng tăng 43,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU như: gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm tăng trên 50%; các sản phẩm gốm, sứ tăng trên 25%; nhóm rau quả, dây điện và dây cáp điện tăng trên 15%.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu