06:49 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hoàn thiện dự thảo về hàng hoá Việt Nam góp phần bảo hộ thương hiệu trong nước

11:30 18/11/2022

(THPL) - Liên quan đến cách xác định hàng hoá tại Việt Nam, Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi ban hành.

Theo Bộ Công thương, nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa Việt Nam, giúp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành. Tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh trở nên minh bạch hơn, tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc tiêu thụ hàng hóa trong nước, mới đây Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi ban hành.

Bộ Công thương cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp lúng túng và khó khăn trong xác định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa phục vụ mục đích ghi nhãn hàng hóa, hoặc khi có yêu cầu kiểm tra, chứng minh xuất xứ hàng hóa của các cơ quan quản lý nhà nước.

Dự thảo về hàng hoá Việt Nam góp phần bảo hộ thương hiệu trong nước. Ảnh minh hoạ

Đơn cử như, Bộ đã nhận được nhiều câu hỏi, đề nghị của doanh nghiệp sản xuất trong nước về hướng dẫn xác định xuất xứ cho hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa sản xuất và lưu thông trong nước. Tuy nhiên, các quy định về quy tắc xuất xứ hiện nay chỉ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích hưởng ưu đãi thuế quan hoặc đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đáng nói, việc thiếu vắng quy định về bộ tiêu chí để xác định xuất xứ hàng hoá cũng gây khó khăn cho chính các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc cũng như việc tuân thủ quy định của các thương nhân. Trước thực trạng trên, đòi hỏi cần hoàn thiện quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa Việt Nam, giúp xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam một cách minh bạch, có căn cứ, phù hợp pháp luật hiện hành. Đồng thời, tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh trở nên minh bạch hơn, tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc tiêu thụ hàng hóa trong nước…

Bộ Công thương cho biết thêm, với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định cách xác định như thế nào là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "Sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định số 43 của Chính phủ.

Như vậy, việc ban hành Thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhằm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc xác định và thể hiện xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật liên quan, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế mới, vừa tuân thủ quy định của pháp luật.

Thời gian tới, quy định về cách xác định hàng hoá cũng có thể được sử dụng như một công cụ bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ sản xuất và thương hiệu trong nước, tương tự như các nước phát triển khác.

Cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Theo dự thảo, hàng hoá được xác định là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bao gồm:

1. Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam.

2. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam.

3. Sản phẩm từ động vật sống nêu tại khoản 2 Điều này.

4. Sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam.

5. Khoáng sản và chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Việt Nam.

6. Sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, nơi Việt Nam có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.

7. Sản phẩm đánh bắt và hải sản khác đánh bắt từ vùng biển quốc tế bằng tàu được đăng ký ở Việt Nam hoặc được phép treo cờ của Việt Nam.

8. Sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu tại khoản 7 Điều này ngay trên tàu được đăng ký ở Việt Nam hoặc được phép treo cờ của Việt Nam.

9. Vật phẩm thu được trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng ở Việt Nam hiện không còn thực hiện được chức năng ban đầu, không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.

10. Hàng hoá thu được hoặc được gia công, chế biến tại Việt Nam từ các sản phẩm nêu từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này.

11. Trường hợp hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam nhưng không thuộc các trường hợp xác định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này thì áp dụng các phương pháp xác định tại Điều 6, Điều 7 và chi tiết quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Mai Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu