06:39 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bài toán phát triển bền vững cho doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường FTA

11:52 18/11/2022

(THPL) - Các hiệp định FTA mang đến cơ hội giảm sâu các mức thuế suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhưng cũng đặt ra các yêu cầu cao về môi trường và con người bên cạnh những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt về an toàn và chất lượng sản phẩm.

Với CPTPP, sau 3 năm thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng và khai thác tương đối hiệu quả những lợi ích mang lại từ hiệp định, qua đó gia tăng hoạt động xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường CPTPP, đặc biệt là thị trường mới ở khu vực châu Mỹ.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này đạt 27,9 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu sau 8 tháng ghi nhận đạt 3,5 tỷ USD.

Với EVFTA, tháng 8/2022 vừa qua cũng đánh dấu cột mốc quan trọng tròn 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Hiệp định EVFTA là một trong số ít những hiệp định có tiêu chuẩn rất cao, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90 % trong vòng 7 năm thực hiện. Trong giai đoạn đầu thực thi, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp Việt Nam, song tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng trên 14% hàng năm.

Theo số liệu mới nhất tính trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%. Hiệp định EVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, UKFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam còn rất nhiều dư địa.

Tính đến nay, bước vào năm thứ 3 thực thi EVFTA biên độ ưu đãi, mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh công tác thực thi tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế vẫn phức tạp, xung đột vũ trang, một số nguyên nhiên vật liệu tăng giá làm giảm tổng cầu của thị trường EU.

Ngoài EVFTA với Việt Nam, EU có 41 FTA khác đã có hiệu lực với 78 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng chủ yếu tập trung ở khu vực châu Âu và châu Mỹ. Tại khu vực châu Á, EU chỉ mới thiết lập mối quan hệ FTA với 12 nước, trong đó ở khu vực Đông Nam Á chỉ có Việt Nam và Singapore.

“Như vậy, trong ngắn hạn, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với nhiều đối thủ khác trong khối Đông Nam Á nhờ EVFTA. Triển vọng xuất khẩu hấp dẫn này sẽ còn thu hút đầu tư FDI từ các quốc gia chưa có ký kết các Hiệp định với EU” - ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt cần hướng đến phát triển bền vững khi vào các thị trường FTA. Ảnh minh hoạ

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu vào được thị trường EU theo hướng bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số điểm như:

Thứ nhất, các quy định của EU thường xuyên được điều chỉnh và thay đổi, do vậy, các nhà sản xuất và công ty xuất khẩu sản phẩm sang EU cần lưu ý phải kiểm tra, cập nhật văn bản pháp luật liên quan của EU, thường xuyên rà soát các thông báo về thay đổi quy định của EU. Đối với các sản phẩm thủy sản cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thuỷ sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến.

Thứ hai, điều kiện cần để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU là phải đáp ứng ứng tiêu chuẩn thị trường yêu cầu, mà cụ thể là các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS ) và rào cản kỹ thuật (TBT) liên quan đến sản phẩm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cả về chiều sâu và chiều rộng, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và toàn bộ quy trình sản xuất, chứ không chỉ ở chặng cuối mới có thể vượt qua thách thức về các biện pháp SPS, TBT.

“Các nhóm hàng hóa có tần suất áp dụng SPS và TBT nhiều nhất khi nhập khẩu vào EU là rau quả, thực phẩm chế biến, dệt may, đồ da, hóa chất, giày dép, sản phẩm nhựa… và đây cũng chính là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam”, Phó chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Thứ ba, các biện pháp tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Việc giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu sẽ tăng nguy cơ EU áp dụng các hàng rào thuế quan TBT và SPS khẩn cấp và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam. Việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận xuất xứ đòi hỏi sự tham gia, chung tay của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức về phòng chống gian lận xuất xứ, không tiếp tay cho những hành vi gian lận và cần có sự phối hợp đầy đủ của các cơ quan liên quan và vai trò cung cấp thông tin kịp thời theo thời gian thực của Tổng cục Hải quan.

Như vậy, đứng trước những thuận lợi và cả những thách thức đan xen trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ EVFTA. Cụ thể, chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, thị hiếu tiêu dùng, cập nhật những các yêu cầu, quy định mới để kịp thời thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu phù hợp. Có tầm nhìn dài hạn và chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. Theo đó doanh nghiệp nên đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh; tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua các chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau tại châu Âu…

Trong sản xuất, ngoài việc chủ động kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi từ EVFTA. Ngoài ra, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, các quy chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh.

Hiện nay, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không riêng tại thị trường EU. Nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống xử thải theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Minh Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu