09:44 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quảng Trị: Bình dị và độc đáo nghề làm quạt giấy Phương Ngạn

Phương Nhi | 06:25 19/07/2021

(THPL) - Nghề làm quạt giấy là một nghề thủ công nổi tiếng ở Phương Ngạn, gắn bó với người dân qua bao thế hệ. Tuy là nghề thủ công đơn giản, gọn nhẹ nhưng quạt giấy Phương Ngạn vẫn rất được ưa chuộng nhờ sự công phu, bền chắc.

Phương Ngạn là một ngôi làng cổ của vùng đồng bằng vựa lúa huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Làm quạt giấy là một nghề thủ công gắn bó với người dân nơi đây từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vùng quê Phương Ngạn trở nên nhộn nhịp bởi những đơn đặt hàng mua quạt giấy dồn về. Thực tế chứng minh nghề nghiệp không phụ lòng người, những chiếc quạt giấy được đổi lấy bát cơm tấm áo, mang lại cuộc sống giản dị nhưng đủ đầy cho người làm ra nó.

Tiêu chuẩn để có một chiếc quạt đẹp, bền, có hồn... đòi hỏi rất nhiều yếu tố.

Làng quạt Phương Ngạn xưa nổi tiếng bởi sản phẩm làm ra bền, đẹp, khi quạt có nhiều gió. Muốn sản xuất được chiếc quạt giấy phải hội đủ các nguyên liệu chủ yếu như: tre làm xương quạt, rễ cây sim làm hồ dán và giấy bổi dán lên xương tra tạo thành chiếc quạt. Tuy là nghề thủ công đơn giản gọn nhẹ nhưng để tạo nên sản phẩm nổi tiếng thì đòi hỏi người thợ phải hết sức công phu, tỉ mỉ và cẩn trọng. Vì thế xưa nay, quạt Phương Ngạn được nhiều người ưa thích, sử dụng. 

Các cụ cao niên trong làng kể lại ký ức về một thời hưng thịnh của nghề vẫn còn rất rõ nét. Nhiều dụng cụ làm quạt vẫn được họ lưu giữ như những kỷ vật nhắc nhở về một nghề truyền thống của ông cha. Muốn làm được một chiếc quạt đẹp, từ tháng 11 đến tháng Chạp, người dân Phương Ngạn bắt đầu đi mua tre của những hộ dân trong làng mang về cưa ra, hơ trên lửa cho khô rồi chẻ thành từng nan tre nhỏ. Ra Tết, những nghệ nhân làm quạt tìm đến các vùng bán sơn địa đào rễ sim mang về sửa sạch, cạo vỏ giã nhỏ rồi ngâm vào hũ sành cùng với nước. Khi nước ngâm từ rễ sim đã đến độ “chín” là có thể mang quệt lên giấy được. Xưa, giấy được dùng làm quạt là giấy bổi mua từ ngã tư Soòng hay được mua về từ những chiếc thuyền từ Huế ra buôn bán.

Chia sẻ về nghề làm quạt giấy hiện nay, bà Trần Thị Thảo, người dân trong làng cho hay, nghĩ đến làng nghề đang dần mai một, bà tiếc và buồn lắm. Gia đình bà có truyền thống gắn bó với nghề làm quạt giấy bao đời. Đến nay, do sự phát triển của thị trường nên quạt điện đang dần thay thế, bà cũng xếp dụng cụ vào kho và cất đi. Ngày trước, cứ mỗi nhân công trong gia đình có thể làm được 20 chiếc quạt/ngày, mỗi chiếc bán được từ 1.000-2.000 đồng. Làm quạt giấy, dân Phương Ngạn dù không giàu có thì cũng đủ ăn đủ mặc.

Trước kia, muốn làm quạt phải có một cái nan mẫu làm khuôn, ở đầu khuôn phải đóng sẵn một cái đinh con. Rồi khi làm theo, tất cả các nan đều phải đặt lên khuôn và làm đúng như vậy. Việc khoan lỗ cũng phải khoan riêng, mà lại xiên lỗ hai, ba nan một, sau mới chắp vào thành một cái quạt. Cách này rất đơn giản nhưng năng suất lại thấp. Về sau kỹ thuật làm quạt nhiều lần cải tiến và trở nên tinh xảo, năng suất cao hơn nhiều.

Nguyên liệu đặc trưng cần và đủ cho một chiếc quạt là những thanh tre tạo dáng cho chiếc quạt ít bị mối mọt; giấy phải là giấy có độ bền cao và dai.

Tiêu chuẩn để có một chiếc quạt đẹp, bền, có hồn... đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên chính là nguyên liệu đặc trưng cần và đủ cho một chiếc quạt. Đó là những thanh tre tạo dáng cho chiếc quạt phải ít bị mối mọt; giấy phải là giấy có độ bền cao và dai. Quạt giấy tiện lợi ở chỗ có thể xếp gọn, mang đi dễ dàng, không kềnh càng so với quạt mo, quạt nan.  

Dẫu vậy, một trong những khó khăn mà người làm nghề quạt giấy Phương Ngạn đang gặp phải là sự phát triển của điện khí hoá nông thôn nên những chiếc quạt giấy cầm tay hiện nay không còn được sử dụng nhiều. Hầu hết sản phẩm làm ra chỉ mới tiêu thụ ở trong tỉnh, tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và bán cho các quầy kinh doanh đồ lưu niệm nhưng số lượng chưa nhiều. Ước muốn của người làm nghề hiện nay là được địa phương hỗ trợ mở rộng sản xuất, thông qua các kênh như hội nông dân, hội phụ nữ để phát triển và mở rộng làng nghề. Đồng thời kết hợp với những công ty du lịch mang sản phẩm của địa phương đến các tỉnh bạn, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Phương Nhi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu