07:35 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phú Thọ: Về thăm làng Bợ với nghề làm tương truyền thống

Huyền Chi | 14:23 10/12/2021

(THPL) - Trải qua sự biến thiên của thời gian, đến nay làng nghề tương Bợ (xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) vẫn được duy trì và sản xuất với số lượng tiêu thụ tương đối ổn định, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người dân mà còn lưu giữ được hồn cốt của làng quê.

Vượt qua chặng đường hơn 70 km từ Hà Nội, chúng tôi đến thăm xã Thạch Đồng, Thanh Thủy, Phú Thọ vào một buổi chiều đông cuối năm. Có dịp đi trên những con đường bê tông trải dài lượn quanh xóm làng, không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh sân nhà nào, nhà nấy để đầy chum, vại sành làm tương. 

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, trước Cách mạng tháng Tám, người dân ở đây thường có câu ca truyền miệng “Nhất kinh kỳ, nhì Bợ Bạt” ý nói làng Bợ nổi tiếng về giao lưu buôn bán, trong đó có nghề làm tương. Sản phẩm tương làng Bợ được các thuyền buôn cất sang khu vực Hà Tây hoặc chở dọc sông Đà để bán ở nhiều nơi.

Thời bấy giờ, nước mắm rất hiếm nên tương là gia vị chính trong bữa ăn của người dân Việt, nhất là ở các xã ven sông, không thể thiếu tương để chế biến các món ăn từ cá.

Tương làng Bợ đã là món ăn truyền thống của người dân Phú Thọ nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Tương Bợ không chỉ giúp người dân kiếm thêm thu nhập mà quan trọng hơn là "giữ lửa" cho làng nghề truyền thống.
Trải qua chiến tranh và giai đoạn hồi phục đất nước sau chiến tranh, nghề làm tương Bợ dần bị mai một, nhất là từ khi xóa bỏ bao cấp, số hộ giữ được nghề truyền thống không còn nhiều.

Tiếp tục hỏi thăm các nghệ nhân làm tương lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Nguyên liệu chủ yếu để làm tương bao gồm: muối, gạo nếp và đậu tương. Muốn làm ra sản phẩm tương ngon, đầu tiên phải chọn loại gạo sạch, không có thóc lẫn và các hạt gạo phải đều. Gạo sau khi chọn lọc kỹ được đem ngâm khoảng 8 - 9 tiếng rồi cho vào đồ xôi. Sau khi xôi xong, đổ gạo ra các nong, trải đều và dùng 2 nong úp lại trong 3 ngày thì được một mẻ khoảng 60kg gạo.

Đặc biệt, khâu được cho là quan trọng nhất, ảnh hưởng tới chất lượng tương là khâu rang mốc. Khi rang đỗ phải rang làm sao cho hạt đỗ chín đều từ trong ra bên ngoài, tránh hiện tượng hạt bên trong còn trắng mà bên ngoài vàng sẽ làm cho tương bị chua. Sau khi rang đỗ xong thì đến công đoạn xay và lên mốc rồi cho nước, muối  với tỷ lệ 10kg gạo: 2kg muối và đem phơi nắng. Tương sau khi phơi 3 nắng thì có thể ăn được, nhưng càng phơi nhiều nắng thì tương càng ngon hơn.

Cũng trong câu chuyện với các nghệ nhân làm tương truyền thống tại làng, chúng tôi được giới thiệu tới một ngôi nhà trong làng, có khoảng sân rộng, thoáng đãng, ước chừng có 30 chiếc chum, vại sành xếp thẳng hàng, ngăn nắp. Vừa bước chân vào cổng, chúng tôi đã cảm nhận được mùi thơm ngọt của tương, đánh thức vị giác, khứu giác của những vị khách “đường đột” tới nhà…

Đón tiếp chúng tôi là nụ cười hồn hậu của chị Trần Thị Phượng, tay vẫn đang khẩn trương đóng tương vào chai, xếp thùng chuẩn bị cho chuyến hàng ngày mai. Theo chị Phượng chia sẻ: “Gia đình chị đã trải qua 4 đời làm tương và bản thân có ngót 30 năm gắn bó với nghề nhưng thực tình không ai xác định chính xác nghề làm tương ra đời từ khi nào, chỉ biết nghề này được truyền lại từ đời các cụ, qua nhiều thế hệ con cháu kế thừa và tiếp nối.

Giá bán tương cũng rất đa dạng, loại bình dân 10.000-20.000 đồng/lít, loại đặc sản 40.000 đồng/lít tùy theo nhu cầu của khách.

Có những giai đoạn, tương làm ra không tiêu thụ được bởi trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thay thế. Nhưng không vì thế mà nghề làm tương ở làng Bợ bị mai một, người dân vẫn duy trì làm để tiêu dùng và làm quà biếu. Với họ, tương là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày và hơn hết nó chính là hồn quê, là văn hóa đi sâu vào vào tiềm thức, tâm hồn trong mỗi người”…

Hiện làng nghề có khoảng gần 50 gia đình làm tương. Giá bán tương cũng rất đa dạng, loại bình dân 10.000-20.000 đồng/lít, loại đặc sản 40.000 đồng/lít tùy theo nhu cầu của khách.

Để khuyến khích người dân gìn giữ nghề truyền thống cũng như đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, các cấp chính quyền các ngành chức năng đã hỗ trợ, vận động người dân thành lập, tham gia Hợp tác xã Tương làng Bợ; xây dựng nhãn hiệu tập thể; sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại Hợp tác xã Tương làng Bợ có gần 10 hộ tham gia với quy mô sản xuất 10 tấn gạo/năm. Sản phẩm tương làng Bợ được bày bán nhiều tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện, tỉnh và một số vùng lân cận như: Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang…

Du khách về thăm làng Bợ những ngày này sẽ thấy nhà nhà đang rục rịch chuẩn bị làm vài ba hũ tương để dùng quanh năm…Trải qua nhiều thăng trầm, người dân làng Bợ vẫn cố gắng giữ nghề, giữ được bí quyết làm ra loại nước tương đặc sắc.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu