12:10 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề “ông Công, ông Táo” tất bật chuẩn bị vào vụ

Huyền Chi | 09:11 30/11/2021

(THPL) - Từ lâu, làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đã được biết đến là “thủ phủ” sản xuất cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng dồi dào, cá chép đỏ Thủy Trầm còn có những ưu điểm vượt trội về giống. Nhờ nghề nuôi cá chép đỏ, nhiều hộ gia đình ở Thủy Trầm đã dần thoát nghèo, làm ăn khấm khá.

Theo lời kể của các cụ cao niên: Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Thủy Trầm đã có nghề ương, nuôi cá giống từ cá bột vớt ở sông Hồng vào mùa lũ. Bỗng một năm, bà con Thủy Trầm thấy xuất hiện loài cá lạ, tuy thuộc giống cá chép nhưng toàn thân có màu đỏ rực rất đẹp mắt. Họ đã nhân giống loài cá này để làm cảnh, tặng bạn quý hoặc phóng sinh.

Dần dà, con cá “linh” của làng được nhiều người biết đến và trở thành sản phẩm đặc hữu, là phương tiện không thể thiếu để các Táo về trời trong ngày lễ cuối năm. Lúc đầu chỉ có một vài hộ làm thử, sau là hàng chục, rồi hàng trăm gia đình cùng làm. Từ đây, nghề nuôi cá chép đỏ ở Thủy Trầm “lên ngôi” cùng với sự phát triển văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, sinh vật cảnh của không chỉ người dân địa phương mà còn ở rất nhiều tỉnh, thành phía Bắc.

Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm có địa chỉ tại xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Là loài phàm ăn nên cá chép đỏ rất dễ nuôi, người dân hoàn toàn có thể tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên
Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chứng nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm.

Để có được những lứa cá đẹp nhất phục vụ nhu cầu thị trường, người dân Thủy Trầm thường xuyên phải tiến hành vệ sinh ao và chuẩn bị cá giống. Là loài phàm ăn nên cá chép đỏ rất dễ nuôi, người dân hoàn toàn có thể tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên như bèo hoa dâu, các loại rau củ quả kết hợp cùng cám công nghiệp. Sợ cá lớn nhanh nên họ chỉ dám cho ăn mỗi ngày một bữa, cứ thấy bóng người là cả đàn lại lao tới nhảy rào rào trên mặt nước.

Người mua cá phần lớn là thương lái đến từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình... và nhiều nhất là Hà Nội. Có lẽ vì thế, mà cả thôn có 370 hộ thì có tới 353 hộ nuôi cá chép đỏ với tổng diện tích ao hồ hơn 30 ha, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.200 lao động. Từ năm 2016 tới nay, doanh thu từ cá chép đỏ liên tục đạt trên 70 tỉ đồng. Thu nhập bình quân của các hộ trong làng lên tới vài trục triệu đồng/người/năm.

Năm 2011, tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm và tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, nhất là hệ thống cấp thoát nước phát triển làng nghề. Tháng 12/2017, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã chứng nhận thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm.

Những ngày cuối năm nhất là vào dịp Tết ông Công ông Táo, làng Thủy Trầm lại hối hả vào mùa phục vụ nhu cầu của người dân các tỉnh.  Từ đầu làng tới cuối làng, đâu đâu cũng thấy một màu đỏ rực của cá, màu xanh ngọc của nước cùng tiếng cười, tiếng nói rộn rã của người dân tung chai, kéo lưới. Tháng Chạp sắp tới, người dân làng cá Thủy Trầm lại tất bật chuẩn bị một mùa cá thành công, sẵn sàng đón Tết, vui Xuân, chuẩn bị cho một năm lao động sản xuất mới.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu