20:06 ngày 18/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Những thách thức khi gạo Ấn Độ trở lại thị trường thế giới

16:06 18/12/2024

(THPL) - Tại Việt Nam, nguồn cung gạo xuất khẩu dự kiến hạn chế cho đến tháng 3/2025, trước khi vụ Đông Xuân được thu hoạch vào tháng 4/2024. Nhu cầu đối với gạo thơm vẫn ổn định, đặc biệt từ các thị trường như Philippines và châu Phi, nhưng giá gạo trắng có thể giảm từ tháng 2/2025, khi nguồn cung gia tăng và sự cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ và Thái Lan.

Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% lượng gạo giao dịch toàn cầu. Trong những năm gần đây, nhu cầu gạo tăng cao do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị và đại dịch COVID-19, khiến giá gạo trên thế giới leo thang. Để kiểm soát nguồn cung và đảm bảo an ninh lương thực quốc nội, chính phủ Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo, bao gồm cả lệnh cấm và thuế suất cao.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2024, chính phủ Ấn Độ đã quyết định nới lỏng các quy định này do nhiều yếu tố thúc đẩy, bao gồm tình hình dự trữ gạo trong nước được cải thiện và áp lực từ các quốc gia nhập khẩu lớn. Quyết định này cho phép xuất khẩu một số loại gạo nhất định, bao gồm gạo basmati – loại gạo xuất khẩu nổi tiếng của Ấn Độ. Chính phủ cũng đã giảm các rào cản về thuế và phí xuất khẩu đối với các loại gạo khác, góp phần tăng cường lưu thông gạo ra thị trường quốc tế.

Việc Ấn Độ nới lỏng các quy định xuất khẩu gạo là một diễn biến quan trọng đối với thị trường quốc tế. Nó không chỉ có tác động lớn đến giá cả và nguồn cung gạo trên toàn cầu mà còn giúp duy trì an ninh lương thực cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các nước sản xuất gạo khác cũng sẽ cần phải điều chỉnh để thích ứng với sự trở lại của Ấn Độ trên thị trường, tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn.

Tại Việt Nam, nguồn cung gạo xuất khẩu dự kiến hạn chế cho đến tháng 3/2025. Ảnh minh họa

Liên quan đến thông tin trên, các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi chính sách của Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong xu hướng giá cả gạo trong tương lai. Theo đó, một nhà xuất khẩu ở New Delhi nhận định rằng mặt bằng giá gạo tại Ấn Độ sẽ vẫn chịu áp lực giảm cho đến quý I/2025. Trong ngắn hạn, Pakistan sẽ tiếp tục dẫn đầu xuất khẩu gạo trắng, nhưng sau đó Ấn Độ sẽ chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là với gạo đồ, nhờ nguồn cung dồi dào.

Tương tự, các chuyên gia của S&P Global Commodity Insights dự báo xuất khẩu gạo từ các nước khác như Pakistan sẽ giảm 12,3% so với năm ngoái, do gạo Ấn Độ trở lại thị trường. Giá gạo tại nhiều khu vực đã chịu áp lực lớn từ giá bán cạnh tranh của Ấn Độ, bao gồm cả các loại gạo basmati (giống gạo dáng dài, có nguồn gốc từ Bắc Ấn Độ và Pakistan) và không phải basmati. Myanmar cũng được dự báo sẽ giảm xuất khẩu gạo trắng vào năm 2025 do năng suất vụ mùa thấp và sự cạnh tranh từ Ấn Độ.

Ở diễn biến ngược lại, một thương nhân tại Singapore cho biết nhu cầu gạo nội địa ở Ấn Độ có thể tăng trong năm tới, góp phần ổn định thị trường. Dù vậy, giá lúa gạo vẫn có thể duy trì ở mức cao nhờ giá hỗ trợ tối thiểu (MSP) mà Chính phủ Ấn Độ đặt ra để đảm bảo thu nhập cho nông dân.

Tại Việt Nam, nguồn cung gạo xuất khẩu dự kiến hạn chế cho đến tháng 3/2025, trước khi vụ Đông Xuân được thu hoạch vào tháng 4/2024. Nhu cầu đối với gạo thơm vẫn ổn định, đặc biệt từ các thị trường như Philippines và châu Phi, nhưng giá gạo trắng có thể giảm từ tháng 2/2025, khi nguồn cung gia tăng và sự cạnh tranh gia tăng từ Ấn Độ và Thái Lan.

Nhận định về việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh xuất khẩu gạo tẻ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: gạo Việt Nam đã và đang chiếm lĩnh thị trường ở phân khúc cao cấp, gạo chất lượng cao, giá bán cao, trong khi gạo của Ấn Độ ở phân khúc rẻ tiền hơn nên “nước sông không phạm nước giếng”.

“Gạo của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực châu Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Singapore; trong khi đó gạo Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu sang các quốc gia thuộc khu vực châu Phi và Trung Đông. Có thể thấy thị trường và phân khúc gạo xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ rất khác nhau", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc gạo tẻ thường của Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông, như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn do nguồn cung nội địa không dồi dào.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam. Gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp và xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Còn tại Việt Nam, phần lớn diện tích đã được nông dân chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao. Mặc dù giá giảm nhưng nhu cầu từ các thị trường chủ lực của Việt Nam như Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn giữ ở mức cao.

Theo báo cáo mới nhất được công bố của USDA, sản lượng lúa gạo toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong niên vụ 2024-2025, với Ấn Độ dẫn đầu về tăng trưởng sản lượng. Cụ thể, sản lượng gạo toàn cầu được USDA dự báo sẽ đạt 533,7 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025, giảm 129.000 tấn so với dự báo trước đó nhưng cao hơn tới 11 triệu tấn so với niên vụ 2023-2024.

Đồng thời USDA dự báo tồn kho cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 ở mức 182,5 triệu tấn, tăng hơn 3,4 triệu tấn so với vụ 2023-2024 và là mức cao nhất kể từ niên vụ 2021-2022.

USDA nhận định, năm 2025, do sự trở lại của Ấn Độ nên hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, chỉ còn khoảng 7,8 triệu tấn so với mức 9 triệu tấn dự kiến của năm 2024.

Mặc dù vậy, Thái Lan có thể còn giảm mạnh hơn và chỉ đạt 7,7 triệu tấn do sự sụt giảm mạnh từ thị trường quan trọng là khu vực Trung Đông và châu Phi. Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn vì khách hàng truyền thống Philippines sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu  và có thể đạt đến 5,4 triệu tấn gạo.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu