04:49 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Những giải pháp cho xuất khẩu dệt may trong giai đoạn 2023 – 2025

Mai Anh | 15:51 27/12/2022

(THPL) - Theo dự báo của một số chuyên gia, khó khăn của xuất khẩu dệt may sẽ kéo dài tới hết quý II/2023. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần có giải pháp để bắt kịp xu thế thị trường.

Năm 2022 là năm thách thức của ngành dệt may khi đứng trước sức ép kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn khiến cầu hàng dệt may sụt giảm. Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt vẫn cán đích 43-44 tỷ USD, tăng gần 9% so với 2021.

Năm 2023, ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD.

Dự báo, khó khăn của các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may sẽ kéo dài tới hết quý I, thậm chí quý II năm sau. Tình trạng phổ biến là số lượng đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp; doanh nghiệp đối diện sức ép gia tăng về các yêu cầu phát triển xanh, bền vững từ đối tác nhập khẩu.

Theo dự báo, khó khăn của xuất khẩu dệt may sẽ kéo dài tới hết quý II/2023. Ảnh: Internet

Trước những nhận định trên, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2023 – 2025 và xây dựng tầm nhìn đến năm 2030 thì ngành dệt may đưa ra 5 giải pháp. Trong đó quan trọng nhất là xây dựng chiến lược chung cho ngành trong dài hạn. Theo đó, để phát triển theo mục tiêu xanh và bền vững, Hiệp hội dệt may dã trình Bộ Công Thương và Chính phủ xây dựng chiến lược dệt may. Bởi vì có chiến lược, mới có đường hướng đi, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể cho mục tiêu phát triển bền vững.

Từ chiến lược chung, thì từng doanh nghiệp sẽ đưa ra những giải pháp để bắt kịp cái xu thế, đặc biệt là những đòi hỏi của các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Bây giờ kể cả Trung Quốc họ cũng bắt đưa ra những chính sách về phát triển bền vững.

Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có nguồn tài chính để đầu tư. Ngành dệt may cũng đã có kiến nghị với Chính phủ là trong chiến lược dệt may Việt Nam thì tài chính cho đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo tính chất môi trường cho các khu công nghiệp đạt chuẩn mực để chúng ta kêu gọi đầu tư.

Để đạt được mục tiêu xanh hóa dệt may thì cộng đồng các doanh nghiệp, đứng đầu là Hiệp hội dệt may Việt Nam luôn luôn xuyên suốt xây dựng những giải pháp và đưa ra những đòi hỏi từ các nhãn hàng và các nhà nhập khẩu. Từ đó doanh nghiệp chủ động thích ứng được với việc đầu tư các cơ sở vật chất và hạ tầng, cũng như đầu tư vào con người để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của các cái nhãn hàng cũng như là các doanh nghiệp của ngành may toàn cầu. Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp phải đưa ra cho mình một cái lộ trình riêng cho mình theo từng năm. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải quan tâm đến phát triển trên cơ sở tính minh bạch, phát triển phải đi đôi với bảo vệ, bảo đảm sự minh bạch của từng doanh nghiệp. “Nhãn hàng giờ đây họ không chỉ nhìn thấy vấn đề là xanh hay không. Không chỉ nhìn vào việc doanh nghiệp tiết kiệm nguồn nước hay là sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo, mà quan trọng nhất là họ muốn tất cả những cái này được thể hiện bằng quản trị số. Và doanh nghiệp phải làm sao để đạt được mục tiêu và các chuẩn này”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Mai Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu