07:14 ngày 28/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nhà máy nước mặt sông Đuống - Shark Liên và những tai tiếng không đáng có?

10:12 13/11/2019

(THPL) - Mặc dù, Nhà máy nước mặt sông Đuống mới đi vào hoạt động nhưng ngay lập tức đã khiến dư luận dậy sóng và phản ứng không đồng tình với lý do Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng; chênh lệch giữa giá nước nhà máy sông Đuống đắt gấp đôi so với giá của một số nhà máy nước hiện nay tại Hà Nội.

Bị “tuýt còi” vì chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào sử dụng

Theo tìm hiểu của PV Thương hiệu và Pháp luật được biết, Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 8/6/2016 với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước sạch. Thời gian hoạt động là 50 năm.

Các cổ đông sáng lập của công ty bao gồm: Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH Một thành viên Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch - Newtatco (5%), Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman 27% (nhà đầu tư ủy thác góp vốn), Công ty cổ phần nước Aqua One 58% (nhà đầu tư ủy thác góp vốn).

Tổng vốn đầu tư cho dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5 ngàn tỷ đồng (tương đương 224,4 triệu USD), trong đó vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4 ngàn tỷ đồng.

Cũng trong ngày 05/09, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne - đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn I (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Tuy nhiên, trước đó vào ngày 30/8, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã có Công văn số 447/GĐ-GĐ3 gửi UBND thành phố Hà Nội về việc khánh thành công trình Nhà máy Nước mặt sông Đuống giai đoạn 1.

Xe container sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm) vào tháng 6/2019 (ảnh: Internet)

Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã có Công văn số 447/GĐ-GĐ3 gửi UBND thành phố Hà Nội về việc khánh thành công trình Nhà máy Nước mặt sông Đuống giai đoạn 1.

Công văn đã nêu rõ: Công trình Nhà máy Nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 đã được Cục Giám định tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại Văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24-7-2018, Văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21-12-2018 và Văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18-6-2019.

Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung. Tuy nhiên, còn một số tồn tại như: chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống.

Bên cạnh đó, Cục Giám định đề nghị UBND TP Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại để bảo đảm chất lượng công trình theo thiết kế.

Để rộng đường dư luận, PV Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ với ông  Phạm Mạnh Hùng - Phó tổng Giám đốc Kỹ thuật công nghệ Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống. Tuy nhiên, “vị” này từ chối phát ngôn với báo chí và đề nghị với báo chí liên hệ với bà Lê Thị Thùy Mai – Đại diện truyền thông của phía Công ty.

Liên hệ với bà Lê Thị Thùy Mai, “vị” này yêu cầu PV gửi lại nội dung câu hỏi qua gmail và có văn bản phản hồi thông tin tới PV.

Trong văn bản phản hồi tới báo chí, “vị” này khẳng định: “liên quan đến một số tồn tại được nêu tại văn bản số 447/GĐ – GĐ3 ngày 30 tháng 08 năm 2019 của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, phía công ty đã trực tiếp cung cấp bổ sung tới Cục các tài liệu bao gồm: Thiết kế các tuyến qua đường sắt, quốc lộ; Thí nghiệm các chỉ tiêu ống trước khi thi công; Các biên bản thử áp trong quá trình thi công; Công văn 167/2019/BQLDA – SĐ gửi cục Giám định ngày 04 tháng 06 năm 2019 về việc “Báo cáo sự cố hư hỏng hố van xả cặn tuyến ống truyền dẫn nước sạch – Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống”.

Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi về việc những hồ sơ, tài liệu mà Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống gửi bổ sung đến Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng đã được Cục này chấp thuận, đồng ý phê duyệt hay chưa thì phía Công ty không trả lời nội dung này.

Cũng trong nội dung câu hỏi gửi tới Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống, PV có nhấn mạnh tới việc Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống khi chưa nghiệm thu và có kết quả đánh giá cuối cùng về sản phẩm đã đưa vào khai thác bán nước cho người dân liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân hay không?

Về việc này, “vị” này cũng trả lời “chắc nịch”: “Trong quá trình xây dựng và vận hành, Nhà máy Nước mặt sông Đuống chịu trách nhiệm về chất lượng nước cấp cho người dân cũng như chất lượng tuyến ống truyền tải”

Có thể thấy, dư luận không ngừng đặt ra câu hỏi về việc Nhà máy nước sông Đuống - Shark Liên từng bị “tuýt còi” không được khai thác, cấp nước trước thời điểm tổ chức khánh thành. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà việc khánh thành Nhà máy nước sông Đuống vẫn được diễn ra rầm rộ?

Mua nước Nhà máy nước mặt sông Đuống: Lỗ, lãi về tay ai

Nhà máy nước mặt Sông Đuống có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha, tổng công suất dự kiến là 1.200.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn I đã khánh thành ngày 5/9 với mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công suất 300.000m3/ngày đêm.

Với tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), nhiều ý kiến đưa ra đánh giá là "đắt đỏ" hơn khá nhiều so với vốn đầu tư ban đầu của các nhà máy khác. Như nhà máy nước Sông Đà được đầu tư 10 năm trước cũng với công suất 300.000m3/ngày đêm trong khi vốn đầu tư chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, mức giá tạm tính mỗi mét khối nước của nhà máy lên tới 10.264 đồng được cho là đang gấp đôi so với giá của một số nhà máy nước hiện nay của Hà Nội. 

Về vấn đề này, bà Lê Thị Thùy Mai cho biết, trong thời gian phát nước phục vụ bà con Thủ đô từ tháng 10/2018 đến giờ, Nhà máy Nước mặt sông Đuống đang áp dụng mức giá tạm tính là 7,700đ/m3. Còn mức giá nước được phê duyệt từ tháng 10/2017 là: 10.246 đồng/m3. Trong khi đó, hiện mức giá bán của nước sông Đà là: 5.069,76 đồng/m3.

Lý giải việc giá bán nước của nhà máy sông Đuống cao hơn sông Đà, “vị” này khẳng định, việc so sánh hiệu quả và giá nước giữa các nhà máy phải được đưa về cùng thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư và vận hành hoạt động.

Đặc biệt, bà Thùy Mai còn nhấn mạnh thêm: dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô công suất 300.000 m3/ngày đêm, tuyến ống truyền dẫn 81km tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ (Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 521 tỷ và tuyến ống dài hơn 35 km so với tuyến ống sông Đà, sử dụng nguồn vốn vay thương mại). Từ việc quy mô đầu tư lớn, khấu hao và lãi vay lớn hơn, chủ đầu tư cho rằng, chi phí giá nước sạch được tính đúng, tính đủ sẽ cao hơn so với nước sông Đà.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV Infonet, GS.TSKH Trần Hữu Uyển - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho rằng: Lý giải của Nhà máy nước Sông Đuống là không hợp lý, bởi lẽ tuyến ống nước thì dự án nào cũng phải dùng, cái chính là chủ đầu tư phải tính toán để đưa ra mức giá bán nước hợp lý.

Chuyên gia đề nghị phải kiểm toán nhà nước đối với Nhà máy nước Sông Đuống (ảnh: Internet)

Theo ông Uyển, bất kỳ công nghệ nào thì khi sản xuất nước xong đều phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong xây dựng nhà máy nước, công suất nhỏ thì giá lại đắt hơn công suất lớn, vì thế công suất càng lớn giá thành càng rẻ. Do đó, chủ đầu tư nào cũng muốn xây dựng nhà máy nước to.

Tương tự, cũng theo một chuyên gia cao cấp ngành nước (đề nghị không nêu tên) khẳng định: “Đó là quyết định “lạ” của Hà Nội, nhiều khi có nhiều cái rất khó hiểu. Tại sao phải chấp nhận mua nước mức giá cao như vậy? Vì sao  giá thành của Nhà máy nước Sông Đuống đến hơn 10.000 đồng/m3, họ kê ra là đầu tư đến 5.000 tỷ. Vậy là chết rồi, họ đi vay đầu tư rồi bắt người dân phải chịu giá thành đầu tư quá cao và chịu lãi suất vay ngân hàng thương mại ở từng m3 nước là bất hợp lý. Kiên quyết đề nghị phải kiểm toán nhà nước đối với Nhà máy nước Sông Đuống”, vị chuyên gia này đề nghị.

Có thể thấy, trong bài toán giá nước này, nếu TP. Hà Nội chấp thuận tăng giá nước, phải chăng doanh nghiệp là Công ty Nước sạch Sông Đuống được hưởng lợi nhiều nhất nhưng bù lại túi tiền của hàng triệu người tiêu dùng Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu