09:41 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Góc nhìn TTCK tuần 48/2024: Áp lực vĩ mô đè nặng mở ra cơ hội tích lũy từ vùng đáy

13:49 25/11/2024

(THPL) - Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần 48 đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ cả yếu tố trong nước lẫn quốc tế. Dòng vốn ngoại rút ròng, thanh khoản suy giảm và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục tạo áp lực lớn lên thị trường.

Kết thúc tuần giao dịch thứ 47, chỉ số Vn-Index (VNI) tăng 9,53 điểm (+0,78%) và đóng cửa tại mức 1.228 điểm. Mặc dù chỉ số ghi nhận sự cải thiện về điểm số, nhưng thanh khoản thị trường lại cho thấy xu hướng suy yếu. Cụ thể, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên giảm 17% so với tuần trước, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước hàng loạt những áp lực từ vĩ mô trong nước và quốc tế.

Trong đó áp lực lớn và kéo dài hiện hữu đang đến từ dòng vốn ngoại. Theo thống kê, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị hơn 1.500 tỷ đồng trong tuần qua, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, VNM.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô: Viễn cảnh khó khăn từ kinh tế quốc tế, gây tác động tâm lý đến thị trường chứng khoán trong nước

Lãi suất tiết kiệm tăng: Các ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất huy động, thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ người dân vào kênh tiết kiệm an toàn. Số liệu mới nhất từ ngân hàng nhà nước (SBV), với tổng tiền gửi của người dân đạt kỷ lục gần 7 triệu tỷ đồng. Điều này phần nào phản ánh sự ảm đạm hiện tại trên thị trường chứng khoán (TTCK), khi mà bình quân giao dịch khớp lệnh mỗi phiên chỉ vào khoảng 16,3 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với bình quân phiên của tuần 47 trước đó.

Giá vàng lập đỉnh: Giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce vào phiên sáng 23/11, lập mức cao nhất trong nhiều năm. Giá vàng trong nước đang ổn định ở mức 87 triệu đồng/ lượng. Theo các chuyên gia, giá vàng có thể tiếp tục lâp các đỉnh mới trong thời gian tới. Xu hướng này phản ánh nhu cầu trú ẩn an toàn của cả dòng vốn nội và dòng vốn ngoại trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và sự “khó đoán” trước trong khả năng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi Trump quay lại nhà trắng. Đồng thời, việc vàng hút dòng vốn đầu cơ cũng làm phân tán dòng tiền khỏi các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán.

Xuất khẩu gặp khó: Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, gỗ, thép, phân bón & hóa chất cũng đang chịu áp lực lớn từ sự suy giảm tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là tại các thị trường lớn chủ lực như Mỹ, Trung Quốc và EU. Điều này khiến dòng tiền vào các cổ phiếu xuất khẩu cũng giảm mạnh, do mất đi kì vọng tăng trưởng hoặc hưởng lợi.

Áp lực từ dòng vốn ngoại: Khối ngoại tiếp tục rút ròng trong bối cảnh tỷ giá USD/VNĐ tăng cao, gây sức ép lớn lên thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng. Động thái này phản ánh sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường khác, đặc biệt là Mỹ. Xu hướng này càng mạnh mẽ hơn kể từ khi Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ nhiệp kì 4 năm tới. Khối ngoại bán ròng trên TTCK Việt Nam tập trung vào các cổ phiếu bluechips không chỉ kéo giảm giá trị của các cổ phiếu trụ cột, làm VNI giảm điểm, mà còn làm suy yếu tâm lý chung trên thị trường vốn đang ảm đạm. Tính chung từ đầu năm, khối ngoại đã rút ròng trên TTCK Việt Nam khoảng 70,000 tỷ. Trước khi trở lại mua ròng nhẹ vào phiên cuối tuần trước (22/11), khối ngoại đã có chuỗi khoảng 30 phiên bán ròng liên tục trên TTCK Việt nam.

Viễn cảnh chính sách tài chính Mỹ: Ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 với chính sách "America First" và sự ưu tiên thị trường nội địa, đang khiến dòng vốn quốc tế rút mạnh hơn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Dòng vốn này đã và đang chảy trực tiếp vào Mỹ. Đóng phiên cuối tuần trước (ngày 23/11 theo giờ Việt Nam), Dow Jones tăng 426,16 điểm, tương đương tăng 0,97%, đạt 44.296,51 điểm; S&P 500 tăng 0,35%, chốt ở mức 5.969,34 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 5 liên tiếp; Nasdaq tăng 0,16%, đạt 19.003,65 điểm.

Tỷ giá USD/VNĐ chịu áp lực: Chỉ số DXY (Dollar Index) duy trì ở mức cao, gây áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ. Điều này không chỉ làm tăng chi phí nhập khẩu mà còn làm giảm tính cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, mỗi khi gặp áp lực tỉ giá vượt quá 2%, là khi TTCK trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực. Số liệu cho thấy điều này diễn ra thường xuyên kể từ năm 2022 đến nay.

Các điểm nóng xung đột có nguy cơ leo thang: Các điểm nóng xung đột tại Trung Đông còn chưa kịp lắng xuống, thì căng thẳng ngày càng phức tạp tại Đông Âu đẩy giá dầu và khí đốt tăng mạnh, làm gia tăng nguy cơ lạm phát cao trở lại tại châu Âu, khiến khu vực kinh tế này đứng trước những khó khăn tiếp theo. Tuy nhiên, điều này lại hỗ trợ tích cực cho các cổ phiếu dầu khí, dù kì vọng là không rõ ràng và mang tính thời điểm.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm: Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại lớn, ngay sát với Việt Nam, đang có dấu hiệu phục hồi yếu ớt, dù các gói kích thích lớn chưa từng có đang liên tục được bơm ra nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Những khó khăn này ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Dẫu vậy, các gói kích thích kinh tế từ Trung Quốc có thể cải thiện nhu cầu tiêu dùng trong trung và dài hạn. Hơn nữa, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam vào thị trường này lại chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, mang tính thiết yếu. Do đó, trong ngắn hạn quy mô và giá trị xuất khẩu có thể giảm, nhưng không bị ảnh hưởng hoàn toàn.

Tóm lại, các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế đang tạo ra áp lực lớn lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản suy giảm, dòng vốn ngoại rút ròng, và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến triển vọng thị trường trong ngắn hạn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Góc nhìn kỹ thuật: VN-Index tích lũy trong vùng hỗ trợ mạnh

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index đang dao động trong vùng tích lũy 1.200-1.230 điểm. Thanh khoản yếu trong các phiên giảm điểm cho thấy áp lực bán đã giảm, nhưng dòng tiền vào thị trường chưa đủ mạnh để tạo đà bứt phá, kéo dài nhịp hồi phục ngắn hạn.

Khung ngày: Chỉ báo KDJ (Stochastic) đang thoát khỏi vùng quá bán, phát tín hiệu hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, dòng tiền tổ chức vẫn thận trọng và chưa cho thấy sự bứt phá đáng kể.

(Ảnh: FireAnt)

Khung tuần: VN-Index kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.200 điểm, được củng cố bởi đường MA200. MACD khung tuần vẫn tiêu cực nhưng có dấu hiệu thu hẹp khoảng cách giữa các đường tín hiệu, phản ánh áp lực bán dài hạn đang suy yếu.

(Ảnh: Homily chart)

Nhóm ngành và cổ phiếu triển vọng: Lựa chọn cơ hội trong khó khăn

Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia thuộc Hanoi Stock (hanoistock.com) khuyến nghị tập trung tích lũy CP thuộc các nhóm ngành hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô:

Ngân hàng: ACB, VCB, CTG là các cổ phiếu phòng thủ thu hút dòng tiền tổ chức, phù hợp cho đầu tư dài hạn.

Logistics: HAH, VSC được hưởng lợi từ nhu cầu vận tải gia tăng và triển vọng xuất khẩu tích cực.

Dầu khí: GAS, PLX là các cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ đà tăng giá dầu và khí đốt toàn cầu.

Tiêu dùng thiết yếu: MSN, VNM là các mã phòng thủ tốt, phù hợp trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.

Chiến lược đầu tư: Các chuyên gia từ Hanoi Stock cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng nhưng không bỏ lỡ cơ hội

Ngắn hạn: Nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia tỉ trọng nhỏ vào các nhóm ngành hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô như dầu khí (GAS, PLX), ngân hàng (ACB, CTG), và logistics (HAH, VSC).

Dài hạn: Tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt thuộc nhóm tiêu dùng thiết yếu và các cổ phiếu ngành xuất khẩu có triển vọng hồi phục tốt như dệt may, thủy hải sản, phân bón & hóa chất. Đặc biệt khi nhà đầu tư tham gia giải ngân ở vùng VNI quanh 1200 điểm, giá cổ phiếu đã có sự chiết khấu mạnh và đang giao dịch ở vùng đáy trung hạn.

Tích lũy từ các nhịp tạo đáy

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần 48 đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ cả yếu tố trong nước lẫn quốc tế. Dòng vốn ngoại rút ròng, thanh khoản suy giảm và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục tạo áp lực lớn lên thị trường. Tuy nhiên, các tín hiệu tích cực từ dòng vốn nội và triển vọng phục hồi ở một số nhóm ngành chiến lược vẫn mang lại hy vọng cho thị trường trong ngắn hạn.

Nhà đầu tư cần thận trọng nhưng không bỏ lỡ cơ hội. Lựa chọn cho mình những cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp và nhóm ngành có kì vọng tốt, tiềm năng tăng trưởng cao. Đặc biệt là các doanh nghiệp hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô, có cơ bản tốt. Tham gia giải ngân từng phần, tích lũy khi cổ phiếu đã có mức chiết khấu sâu, chờ đợi cơ hội hồi phục từ vùng đáy, sẽ mang lại lợi nhuận cực kì hấp dẫn. Việc theo sát diễn biến dòng vốn lớn ở các cổ phiếu mục tiêu và kết hợp với các tín hiệu kỹ thuật, sẽ giúp tối ưu hóa chiến lược đầu tư trong giai đoạn tích lũy này.

Nguồn tham chiếu:

Ngân hàng Nhà nước

Homily Chart Analysis

Công ty Chứng khoán Yuanta, Mirae Asset

FireAnt

Trần Hồng Anh, Th.S Kinh tế Quốc tế

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu