10:34 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp cơ khí chủ động thích ứng, tạo đà phát triển

14:05 25/11/2024

(THPL) - Cơ khí – máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ thị trường nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam.

Theo thống kê của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.

Cơ khí – máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt

Hiện nay, ngành cơ khí – máy móc và thiết bị trong nước đang từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ và ô tô và phụ tùng ô tô. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.

Cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco…

Cơ khí – máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp. Ảnh minh họa

Đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15- 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Đáng chú ý, công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành xe máy được đánh giá là tương đối phát triển với năng lực cung ứng đạt mức cao. Do dung lượng thị trường lớn, các doanh nghiệp lắp ráp FDI tại Việt Nam đã kêu gọi được nhiều nhà cung ứng FDI đầu tư theo và xây dựng được quan hệ hợp tác với các nhà cung ứng trong nước.

Tương tự ngành xe máy, công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho máy móc nông nghiệp, máy động lực và máy xây dựng tương đối phát triển với tỷ lệ nội địa hóa khá cao.

Những thách thức của ngành cơ khí

Bên cạnh những kết quả khả quan, ngành cơ khí trong nước cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về thị phần bởi cơ chế, chính sách chưa thật sự hoàn thiện. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn chưa nhiều; những hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất, đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành cơ khí.

Một trong những khó khăn hàng đầu là trình độ công nghệ và năng suất lao động còn thấp. Nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp đơn giản thay vì phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào công nghệ và nguyên liệu nhập khẩu.

Công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí tại Việt Nam cũng chưa phát triển mạnh, khiến cho chuỗi cung ứng nội địa chưa đủ hoàn thiện. Việc thiếu hụt nguyên liệu và linh kiện nội địa khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài, làm tăng chi phí sản xuất và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam.

Hơn nữa, khả năng nghiên cứu và phát triển trong ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không có đủ nguồn lực hoặc chưa chú trọng đến việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, điều này làm giảm khả năng sáng tạo và phát triển công nghệ mới, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp cơ khí chủ động thích ứng, đẩy mạnh nội địa hóa. Ảnh  minh họa

Nhận định về tình hình phát triển ngành cơ khí hiện nay, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thừa nhận, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đến nay, ngành cơ khí Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất linh phụ kiện, hàng gia dụng, dụng cụ và phụ tùng cho ô tô. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm cơ khí đòi hỏi công nghệ cao, doanh nghiệp nội địa lại chưa thể đáp ứng sản xuất. Ngoài ra, việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đó, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho hay, để đáp ứng nhu cầu trong nước, ngành công nghiệp máy móc và thiết bị cần đẩy mạnh nội địa hóa, nâng cao tỷ trọng sản xuất trong nước. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần đầu tư nghiên cứu, phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng cao của thị trường.

"Đặc biệt, để giữ được "miếng bánh" thị phần, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng dư địa từ các hiệp định thương mại tự do đã có tìm kiếm cơ hội mới" - chuyên gia Thịnh cho hay.

Về tiềm năng của ngành, theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), nhu cầu thị trường máy móc trong nước có thể đạt 310 tỷ USD vào năm 2030, nhưng phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, VAMI cho rằng, để nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực để phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Doanh nghiệp cơ khí chủ động thích ứng, đẩy mạnh nội địa hóa

Xác định thích ứng là yếu tố then chốt chen chân vào chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp trong ngành cơ khí đã có nhiều đổi mới, tận dụng cơ hội để phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Dụng cụ AN MI (AN MI TOOLS)  cho biết, trước những yêu cầu khắt khe từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đến Việt Nam đầu tư sản xuất và tìm kiếm nhà phân phối buộc các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phải vận động.

Theo đó, ông Phong cho hay, AN MI TOOLS đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng FDI và hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về dụng cụ cắt gọt, thiết bị đo kiểm, các loại máy móc, phụ kiện máy để cung cấp cho thị trường trong nước. Nhờ vậy, công ty đã trở thành đại diện của hãng Dormer & Pramet tại Việt Nam và đối tác chiến lược của Công ty 21C (Hàn Quốc).

Với sự nhanh nhạy thị trường đã cho thấy, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể sản xuất ra các sản phẩm cung cấp cho chuỗi giá trị toàn cầu, thay thế nhiều sản phẩm nhập khẩu. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kết - Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, hiện sản phẩm nội địa hoàn toàn có thể không thua kém hàng ngoại nhập về chất lượng và độ chính xác. Tuy nhiên, theo ông Kết, để cạnh tranh được, doanh nghiệp cần thêm các cơ chế khuyến khích; trong đó ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa cho các dự án kinh tế, đầu tư trong nước.

“Muốn vực dậy ngành cơ khí trong nước, điều đầu tiên phải có thị trường. Nhưng để có được thị trường, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế riêng cho ngành. Đơn cử như ưu tiên hàng trong nước bằng việc sản phẩm nào đã sản xuất được và sản xuất tốt, thì hạn chế nhập khẩu và có thể sử dụng cho các dự án"- ông Kết nhấn mạnh.

Một số giải pháp phát triển ngành cơ khí

Theo Bộ Công Thương, để phát triển bền vững, ngành cơ khí Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như:

Đầu tư vào công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm: Các doanh nghiệp cơ khí cần tập trung đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại như tự động hóa, robot, và trí tuệ nhân tạo. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cơ khí Việt Nam cần xây dựng chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế hoặc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo. Do đó, việc đầu tư vào đào tạo công nhân, kỹ sư, và chuyên gia cơ khí có trình độ là cần thiết. Các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ mới, quản lý sản xuất, và phát triển sản phẩm cần được thúc đẩy.

Tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D): Việc đầu tư vào R&D giúp doanh nghiệp cơ khí nâng cao năng lực sáng tạo, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh. Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ R&D trong ngành cơ khí, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Hợp tác quốc tế: Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường tính cạnh tranh.

Tú Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu