18:15 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nhà đầu tư mở rộng quy mô, cơ hội để doanh nghiệp nội địa phục hồi sản xuất

Tú Chi (T/h) | 07:15 07/03/2024

(THPL) - Theo báo cáo của một số tổ chức quốc tế, thị trường tiêu dùng bán lẻ của Việt Nam kỳ vọng cải thiện trong năm nay, động lực là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng và động thái mở rộng của một số tập đoàn bán lẻ lớn.

Trước đó, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, hai tháng đầu năm, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta đạt kết quả rất tích cực khi vốn đầu tư đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6 so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm đáng chú ý khác về FDI là có tỷ lệ về vốn mới và dự án mới rất cao. Đây là một tín hiệu tốt và kỳ vọng về lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024, cũng như năm 2025.

Giới chuyên gia cho rằng dòng vốn ngoại về Việt Nam tăng do các doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng của thị trường bán lẻ nội địa. Ông Takeuchi Takashi, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối văn phòng, AEON Việt Nam cho biết: "Chúng tôi xác định Việt Nam là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của tập đoàn. Không chỉ vì dân số và thu nhập của Việt Nam tiếp tục gia tăng, mà tầng lớp trung lưu cũng hứa hẹn sẽ trở thành thị trường tiêu thụ tiềm năng. Chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng thêm nữa cụ thể là trong năm 2024 mở mới 4 trung tâm bán lẻ tại Việt Nam".

Theo một số chuyên gia, sức mua tăng ngay trong những ngày đầu năm trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, cho thấy thị trường nội địa lại chính là nơi có nhiều tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Đây là một “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để khai thác triệt để.

Nhà đầu tư mở rộng quy mô, cơ hội để doanh nghiệp Việt phục hồi. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, đóng góp lớn vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đó là cấu phần dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14%, đặc biệt là dịch vụ lữ hành tăng gần 36% so với cùng kỳ 2 tháng năm ngoái. Đây là một trong những chỉ báo được giới phân tích kỳ vọng là sức tiêu dùng sẽ có cải thiện trong năm nay.

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định: "Theo đà phục hồi của kinh tế vĩ mô thế giới, cũng như khi chính sách kích thích tiêu dùng sẽ phát huy tác dụng tốt hơn thì sức mua của người tiêu dùng sẽ cải thiện. Qua đó tiêu thụ của các doanh nghiệp bán lẻ cũng sẽ cải thiện".

Đối với các doanh nghiệp, sức mua tăng là tín hiệu rất khả quan để mạnh dạn đầu tư, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu.

Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024.

Các giải pháp và nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực ngay từ những ngày đầu của năm 2024.

Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn ngành. Theo đó, trên cơ sở các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tổ chức triển khai thực hiện. Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Trong lĩnh vực thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp, kiên quyết thực hiện việc phát hành hoá đơn mỗi lần bán từ ngày 31/3 đối với mặt hàng xăng dầu, đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm số lượng doanh nhiệp đầu mối nhập khẩu; giảm tầng cấp trong chuỗi phân phối xăng dầu….Tạo thuận lợi hóa thương mại và đầu tư (giảm thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư, kinh doanh...); phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số.

 Tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa, khai thác các hiệp định thương mại tự do FTA, mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.

Tú Chi (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu