15:10 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Người Việt cần ít nhất 23,5 năm thu nhập để mua được nhà

Tuấn Anh (t/h) | 16:48 17/02/2023

(THPL) - Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 17/2, TS Cấn Văn Lực cho rằng, bất động sản đang bất thường ở chỗ kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như "đóng băng".

Nói về nguyên nhân suy giảm, theo ông Lực, do xu hướng điều chỉnh chung của thế giới và trong nước sau 2 năm tăng trưởng khá "nóng" (giá bất động sản thế giới tăng khoảng 10 - 20% và của Việt Nam tăng khoảng 20 - 50%). Ngoài ra, còn do vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời; nguồn vốn bị thu hẹp hơn trong năm vừa qua; nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút, thanh khoản thị trường giảm nhanh; giá cả chưa hợp lý.

Hiện nay giá bất động sản đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)... Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp); chi phí ở các khâu làm dự án đều cao...

Người Việt cần ít nhất 23,5 năm thu nhập để mua được nhà. Ảnh minh hoạ

Trước những hạn chế trên, ông Lực đề xuất Nhà nước không nhất thiết phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ, giải cứu mà dùng cơ chế, chính sách và vốn đối ứng, nhất là vốn mồi (chủ yếu đối với nhà ở xã hội); sớm sửa đổi các nghị định, thông tư trong thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là liên quan đến chuyển nhượng dự án, xác định tiền thuê đất, định giá đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội.

Với gói tín dụng nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng, ông Lực đề nghị Chính phủ nên cân nhắc có một đề án tổng thể, căn cơ để phát triển nhà ở xã hội như mô hình của Singapore, Hàn Quốc khá thành công; cần rút kinh nghiệm 6 điểm bất cập khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng trước đây.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, cân nhắc sớm cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay trong tháng này để tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện sớm. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần sớm trình Nghị định 65 sửa đổi, phối hợp Bộ Xây dựng có hướng dẫn đổi trái phiếu lấy bất động sản. 

Với các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, theo TS Lực, cần nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn. Đặc biệt, xem xét có phương án cụ thể, quyết liệt để giải quyết căng thẳng thanh khoản khi các trái phiếu đáo hạn. Một số phương án như: doanh nghiệp có thể phải bán tài sản, kể cả chấp nhận mức chiết khấu cao 30 - 40% để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với trái chủ...

Tuấn Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu