21:43 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người nông dân đất Văn Giang làm giàu từ cây bưởi

19:50 29/10/2023

(THPL) - Mạnh dạn đổi mới nhân giống cây trồng từ 1ha đất trồng cây giống, bà Phạm Thị Thể - Hội trưởng Chi hội Nông dân xã Mễ Sở (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đã thành công trồng bưởi sớm trên đất quất Văn Giang.

Thách thức về kỹ thuật cũng như khó khăn về thị trường đầu ra, bà Thể đã tự mình mày mò kiến thức từ kỹ thuật cho tới tìm kiếm thị trường đầu ra cho cây bưởi sớm của mình. Tại vùng đất Văn Giang vốn chứ danh quất cảnh, mô hình trồng bưởi sớm của bà Thể đã trở thành minh chứng cho sự thành công của người nông dân dám mạnh dạn bỏ cũ thay mới.

Toàn huyện có khoảng gần 200 ha quất cảnh cung ứng ra thị trường, diện tích trồng tập trung chủ yếu ở các xã Tân Tiến, Long Hưng, Mễ Sở, Liên Nghĩa và Thắng Lợi. Tuy nhiên, các năm trở lại đây, hầu hết tại các xã trồng quất của huyện Văn Giang đều rơi vào tình cảnh ế ẩm, cận Tết số lượng quất tại các vườn vẫn còn khá nhiều, chiếm khoảng 50-60% hàng tồn; nhiều loại quất thế, to đẹp cũng không bán được.

Bà Thể với mô hình trồng bưởi sớm.
Bưởi sớm của gia đình bà Thể luôn to đều nhau, chất lượng cũng rất tốt.

Bà Thể chia sẻ: “Nhiều năm liền trồng quất đều điêu đứng vì thị trường biến động liên tục, chưa kể quất cảnh chỉ cho thu hoạch 1 vụ duy nhất trong năm. Do đó, tôi đã quyết định thay đổi giống cây bưởi, trên một sào trồng được 20-25 gốc bưởi, 1 năm có thể thu hoạch được 3 vụ; sau 2 năm là thu hoạch đợt quả đầu tiên”.

Theo bà Thể, đất ở Văn Giang đều rất tươi tốt nên rất thích hợp trồng các loại cây có múi, chỉ cần chăm bón và tưới nước đầy đủ là giai đoạn cây con ra hoa đậu quả. Nếu vào các tháng mùa hè, bà Thể thường xuyên tưới nước cho cây, mùa mưa thì lại cần thoát nước tránh ngập úng thối rễ chết cây.

Khó khăn nhất sau mỗi vụ thu hoạch chính là phương pháp phục hồi dinh dưỡng cho cây đủ khoẻ tiếp tục cho quả vào vụ sau. Bà Thể luôn loại bỏ những cành đã mang quả, cành sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả, tỉa cành nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng và sâu bệnh cho cây. Các loại sâu bệnh thường gặp trên cây bưởi như: bọ xít, nhện đỏ, sâu đục thân, bệnh sẹo, sâu vẽ bùa….khi phát hiện thì cần có biện pháp phòng trừ kịp thời để không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây bưởi.

Với quyết tâm thực hiện bằng được mô hình trồng bưởi, bà Thể đã chủ động tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc và thăm quan các mô hình đã thành công để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Chia sẻ về bí quyết giúp bưởi đậu trái cao, bà Thể bật mí: “Hoa bưởi lúc chuẩn bị chuyển thành quả non cần phải chăm sóc kỹ lưỡng, gặp trời mưa chịu khó rung cây để nước và cánh hoa rụng khỏi trái bưởi non”.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ngoài trồng bưởi bà Thể còn xen canh thêm ổi, trồng các loại thảo dược bên dưới nhằm tận dụng tối đa quỹ đất hiện có, tăng thêm nguồn thu nhập. Bưởi từ vườn bà Thể luôn trong tình trạng cháy hàng, giá đều dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/quả, có thời điểm lên 40.000 đồng/quả.

Có thể thấy, từ làng nghề truyền thống quất cảnh khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình phát triển bền vững của làng nghề này cần được nhân rộng, nông dân làng nghề đã bắt kịp được xu thế của thời đại, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá.

Hào Hiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu