18:12 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Nghị trường nóng vấn đề làm đường cao tốc

15:03 14/11/2023

(THPL) - Trong các phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về vấn đề xem xét cơ chế tăng vốn ngân sách nhà nước trong đầu tư PPP.

Cần có cơ chế rõ ràng

Ông Phạm Văn Hoà, Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp bày tỏ mong muốn xây dựng một cơ chế, chính sách đặc thù trong việc đầu tư PPP để giải quyết được các tình hình bất cập hiện tại và cải thiện Luật PPP.

“Thực tế đường cao tốc Bắc - Nam chúng ta có 6/8 dự án PPP, sau đó Bộ Giao thông trình lại nói đầu tư công cho dễ, cho thuận lợi, dễ dàng. Quốc hội cũng biểu quyết thông qua cho đầu tư công. Nhưng nghe lại đã có những dự án đầu tư PPP doanh nghiệp nói làm được chứ không phải không làm được, tại Bộ Giao thông không cho, lý do cho rằng không có khả năng, không có thực thực nên trình Quốc Hội làm theo phương thức đầu tư công cho dễ, làm cho nhanh, gọn và đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tôi nghĩ phải xem xét lại cơ chế, chính sách đặc thù trong việc đầu tư công, đầu tư PPP trong nội dung này" - ông Phạm Văn Hòa, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tranh luận.

Tăng vốn ngân sách nhà nước trên 50%

Tranh luận về vấn đề Nhà nước đầu tư không quá 70% cho dự án PPP, ông Phạm Văn Hoà đề nghị cần có một cơ chế rõ ràng, nhất là ở những dự án khó.

Cùng vấn đề đó, ông Vũ Tiến Lộc - ĐBQH Tp.Hà Nội đồng tình với ý kiến mà các Đại biểu tranh luận về tỷ lệ vốn đầu tư PPP của nhà nước trong các dự án. Ông cho rằng không chỉ riêng các dự án tại thành phố lớn mà ở các vùng khó khăn cũng cần được quan tâm.

“Nếu như Tp. Hồ Chí Minh hay Tp. Hà Nội có thể đề ra yêu cầu không vượt quá 70%, tôi nghĩ là những dự án ở vùng xa xôi, vùng núi Tây Nguyên hay là Tây Bắc cũng nên được hưởng điều kiện ưu tiên như vậy, thậm chí còn mức cao hơn. Tôi nghĩ là đối với những vùng xa xôi cần có sự cộng tác giữa Nhà nước và tư nhân thì dự án có thể tăng lên cũng là hợp lý" - ông Vũ Tiến Lộc tranh luận.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Thực tiễn đặt ra trong việc thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Thời gian qua, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án đường cao tốc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, UBND tỉnh Cao Bằng đã và đang gặp không ít khó khăn, nhất là về vấn đề huy động vốn.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài khoảng 93,35km theo hình thức đối tác công tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1212 từ năm 2020 với tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 6580 tỷ đồng, chiếm 45,91%, còn lại là vốn Nhà đầu tư, vốn vay và các nguồn vốn huy động khác. Tuy nhiên, dự án rất khó đảm bảo hiệu quả tài chính, hấp dẫn nhà đầu tư và tổ chức tín dụng.

“Trước những khó khăn về huy động vốn, tỉnh Cao Bằng và Nhà đầu tư đã làm việc với ngân hàng sau khi khảo sát và đánh giá dự án nhưng ngân hàng cam kết chỉ cho vay tối đa 3000 tỷ đồng. Như vậy, để huy động nguồn lực đầu tư theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 của Luật PPP khống chế tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP. Do đó, dự án PPP ở Cao Bằng rất cần có sự quan tham gia vốn Nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức PPP. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh” - ông Bế Minh Đức, ĐBQH tỉnh Cao Bằng báo cáo với Quốc hội.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là một ví dụ cụ thể trong việc tăng vốn đầu tư của Nhà nước cho các dự án PPP trên 50% là rất cần thiết, điều này góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, các ngân hàng trong tình hình kinh tế hiện nay. Đồng thời là giải pháp đưa các dự án trọng điểm quốc gia (giai đoạn 2020 - 2025) về đích theo đúng thời hạn đặt ra.

Tú Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu