16:36 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đại biểu Quốc hội hiến kế Nhà nước mua lại trạm BOT tư nhân

17:07 04/11/2023

(THPL) - Nêu thực tế nhiều dự án BOT cao tốc thu phí kém hiệu quả dẫn tới cảnh thua lỗ kéo dài, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh cho rằng phương án Nhà nước mua lại các trạm BOT này là phù hợp.

Vấn đề này được đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh nêu ra khi thảo luận tại hội trường sáng 2/11, về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tình hình phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách và phương án phân bổ năm 2024.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, thành phần kinh tế Nhà nước cần là nhà đầu tư chính cho các hạ tầng giao thông chiến lược.

Phân tích quan điểm này, ông cho rằng thành phần kinh tế Nhà nước có lợi thế tuyệt đối so với nhà đầu tư khác về thời hạn thu hồi vốn.

"Thông thường, chủ doanh nghiệp kinh tế tư nhân khi ra quyết định đầu tư thường chỉ tính thu hồi vốn trong khoảng 10 năm, cá biệt có thể lên đến 20-25 năm, nhưng với Nhà nước, thời gian thu hồi vốn có thể lên đến 50, thậm chí 70-100 năm", ông Thịnh nhìn nhận đây là một lợi thế tuyệt đối trong đầu tư.

Với công nghệ thu phí như hiện nay, theo ông Thịnh, việc quản lý nguồn thu từ khai thác các dự án giao thông chiến lược như đường cao tốc, cầu, cảng biển, cảng hàng không đều dễ dàng được thực hiện và giám sát chặt chẽ, nên thành phần kinh tế Nhà nước quản lý sẽ không gặp phải thất thoát.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh. Ảnh: Dân trí

Vị đại biểu đề xuất Chính phủ có giải pháp đột phá để phát huy vai trò thành phần kinh tế Nhà nước là nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, cũng như quản lý, vận hành, khai thác các dự án này.

Chủ trương này, theo ông Thịnh, nên được bắt đầu bằng việc Nhà nước mua lại các dự án BOT đường cao tốc, cầu đường bộ của nhà đầu tư tư nhân đang bị lỗ, không cân đối được phương án tài chính. Ông nhấn mạnh đây là định hướng phù hợp.

Dẫn chứng, đại biểu Thịnh nhắc đến của Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thu phí từ tháng 2/2020 đến nay mới đạt khoảng 30% phương án tài chính. Mức phí với ô tô thấp nhất là 2.000 đồng/km; cao nhất là container 7.200 đồng/km, với chiều dài 64km, chi phí bỏ ra là 128.000-461.000 đồng, thời gian thu phí 17 năm (từ 2020 đến 2037).

Ông Thịnh chỉ ra bất cập khi đây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng xe đi rất ít do mức phí quá cao, trong khi tuyến quốc lộ 1 chạy song song không thu phí.

Nói về những vướng mắc tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đại diện doanh nghiệp dự án cho biết, trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp dự án đã huy động mọi nguồn lực để hoàn thành dự án vượt tiến độ 3 tháng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm vận hành, doanh thu của dự án chỉ đạt khoảng 31,5% so với PATC ban đầu, không đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.

“Nguyên do đến từ các yếu tố khách quan như dự án bị giảm đi 1 trạm thu phí (Km24+800) trên QL1 dẫn đến giảm nguồn thu trong suốt thời gian thu phí của dự án, đồng thời ảnh hưởng đến tỷ lệ phân lưu giữa QL1 và tuyến cao tốc làm giảm lưu lượng trên tuyến cao tốc. Bên cạnh đó, dự án áp dụng miễn giảm giá vé cho hơn 4.200 phương tiện của người dân địa phương sinh sống quanh trạm thu phí Km93+160, QL1 gây sụt giảm khoảng 46% doanh thu của trạm. Ngoài ra, thời điểm thi công, hoàn thành đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng để kết nối đến TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị chưa được xác định, lưu lượng phương tiện giao thông tăng trưởng thấp hơn dự báo; chi phí tổ chức thu phí tự động không dừng ETC chưa được bổ sung; doanh thu sụt giảm do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19…”, đại diện doanh nghiệp dự án chia sẻ.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, nếu Nhà nước mua lại dự án này, giảm mức phí xuống còn 30%, chắc chắn tuyến đường sẽ được sử dụng hiệu quả, doanh nghiệp dự án thoát được thảm cảnh lỗ kéo dài, Nhà nước chắc chắn không chỉ lãi mà còn nhận được nhiều lợi ích khác. 

Ông cũng cho rằng Chính phủ sẽ có thêm nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng chiến lược; đồng thời mở ra không gian rộng lớn để huy động, hợp tác với các Quỹ đầu tư Nhà nước của các quốc gia khác.

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu