13:44 ngày 15/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề nón lá Phú Mỹ nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức

10:12 11/12/2022

(THPL) - Nhắc đến đất nước Việt Nam, bất cứ ai cũng sẽ nhớ đến chiếc nón lá thân thương gắn liền với hình ảnh con người mộc mạc, chất phác. Hình ảnh chiếc nón lá giản dị không chỉ là vật che mưa, che nắng mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa dân tộc Việt.

Phú Mỹ từ lâu đã được ví von là cái nôi của những chiếc nón. Theo truyền thuyết, nghề nón lá cổ truyền của thôn Phú Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội) do Thánh Mẫu- Huyền Dung công chúa truyền dạy cho dân làng từ xa xưa. Với mô phỏng theo cái chảo, thường gọi là nón chảo rang, dùng một sợi dây móc để khâu lá cọ già tạo thành chiếc nón chảo rộng vành. Sau đó, trong những năm 1960, một người làng là cụ Ba Viêm đã đem cách làm nón Xuân Kiều- nón co chóp về dạy cho dân làng. Từ đó, nón chảo rang được thay thế bằng kiểu nón lá mới cho đến ngày nay.

Phú Mỹ từ lâu đã được ví von là cái nôi của những chiếc nón.

Theo các cao niên trong làng, nón lá được làm từ những nguyên liệu đơn giản và sẵn có: lá cọ, mo nan tre và nứa. Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những nghệ nhân thôn Mỹ Phú bỗng hóa thành một sản phẩm mang tinh hoa dân tộc với các đường nét tinh xảo, độc đáo và hấp dẫn.

Được biết, khâu chọn lá, phơi lá vô cùng quan trọng, lá làm nón không được quá non nhưng cũng không quá già. Trước khi đưa vào làm nón, lá phải được phơi nắng cho thật khô, mềm mới giữ được lâu. Sau khi đem phơi từ 2 đến 3 nắng sẽ cho lá cọ vào nếp điện để là. Tiếp theo, lá được cắt thành từng đoạn, đủ dài để lợp từ chóp xuống vành cái,. Khuôn nón được làm bằng tre ngà già, tạo các khe đặt vòng nón đồng tâm, những que nứa chẻ nhỏ, cuốn thành vành quanh khuôn.

Mỗi gia đình có thể mua nhiều dàng để có thể cùng lúc làm nhiều sản phẩm, không phải chờ tháo cái trước ra mới làm cái sau.

Người thợ bắt đầu xếp từng lá vào vòng nón, lót một lớp mo tre để nón thêm dày và cứng cáp, sau đó tiếp tục xếp một lớp lá nữa rồi mới khâu. Khâu nón là công đoạn khó nhất, bởi lá dễ rách và xê dịch nên đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ. Sau khi khâu, người thợ sẽ cắt lớp lá thừa và làm cạp nón. Mặt trong nón còn được cài thêm những hình hoa, lá, rồi thắt chỉ màu, len màu để lồng quai nón.

Hiện nay, nón được khâu bằng cước nilon sợi dài, ít phải nối, lại bền đẹp. Khâu xong, nón được tháo ra khỏi dàng (khuôn) rồi cắt bỏ lá thừa, cạp vành cái, gắn mầu (nhỏ bằng ngón chân cái, hình chóp nón) trên chóp nón để che kín đầu lá và chống dột. 

Hiện tại thôn Phú Mỹ có tới 402 hộ tham gia hoạt động làng nghề. Với công cụ chính là dàng (khung) nón. Mỗi gia đình có thể mua nhiều dàng để có thể cùng lúc làm nhiều sản phẩm, không phải chờ tháo cái trước ra mới làm cái sau. Cước nilon, kim khâu, lá cọ, hoa văn trang trí cài bên trong nón, mẫu khâu vào chóp nón… tất cả đều có sẵn, đáp ứng đủ nhu cầu. 

Cước nilon, kim khâu, lá cọ, hoa văn trang trí cài bên trong nón, mẫu khâu vào chóp nón… tất cả đều có sẵn, đáp ứng đủ nhu cầu. 

Hiện nay, khó khăn lớn nhất đó là tìm thị trường tiêu thụ. Trước sức ép của thị trường, nhiều sản phẩm làng nghề Việt dần bị mai một, thậm chí nhiều làng nghề rơi vào tình trạng lắp ráp, gia công sản phẩm và còn phải lệ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp trung gian. Chính vì vậy đã giảm sức cạnh tranh và giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Để phát triển thương hiệu làng nghề cần rất nhiều yếu tố, như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở kênh quảng bá trực tuyến, chú trọng công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm... Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp chính quyền cùng sự vào cuộc của các doanh nghiệp để đưa các sản phẩm làng nghề vươn ra thế giới. Việc hỗ trợ và xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể sẽ là bước đệm đưa làng nghề nón mũ lá thôn Phú Mỹ vượt qua những thử thách và có nhiều cơ hội để đến được với bạn bè năm châu.

Lưu Kỳ (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu