23:23 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống mì gạo Hùng Lô

Huyền Chi | 11:37 01/12/2022

(THPL) - Những năm trở lại đây, mỗi khi nhắc đến xã Hùng Lô (TP. Việt Trì, Phú Thọ) nhiều người chẳng còn xa lạ với loại đặc sản có tên gọi mì gạo Hùng Lô. Đây chính là sản phẩm được sinh ra từ làng quê và mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân trong làng.

Cách TP. Việt Trì khoảng 8km là làng cổ Hùng Lô - mảnh đất hơn 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô. Trải qua bao biến cố và thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn mọi kiến trúc cổ xưa và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1990.

Tương truyền, mảnh đất này chính là nơi vua Hùng cùng công chúa và các quần thần dừng chân nghỉ ngơi trong một chuyến du ngoạn. Vua thấy nơi này trù phú, cây cối tốt tươi, lại có khí thiêng từ lòng đất nên cho đây là chốn địa linh. Sau này, dân làng đã dựng miếu thờ Vua Hùng để đời đời nhớ ơn Vương tổ. Đến thời vua Lê Hy Tông, đình bắt đầu được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.

Khi được hỏi về lịch sử làm mì gạo của làng Hùng Lô xuất hiện từ bao giờ thì hầu hết mọi người trong làng đều không biết. Tuy nhiên, có một điều trong tiềm thức xa xăm của người dân làng là cảnh nhà nhà làm mì, người người làm mì. Mì gạo được phơi trên những chiếc phên nứa, xếp dài dằng dặc trên những con đường dẫn vào làng.

Mì gạo được phơi trên những chiếc phên nứa, xếp dài dằng dặc trên những con đường dẫn vào làng.

Vốn là một nghề không đòi hỏi vốn lớn nên hộ gia đình nào cũng có thể làm được, có ít làm ít, có nhiều thì làm nhiều, nên nghề làm mì gạo tại Hùng Lô rải rác khắp các xóm trong xã. Nếu trước đây, người làm nghề hoàn toàn bằng thủ công thì hiện nay đã có máy móc thay thế sức người nên năng suất và sản lượng không ngừng tăng lên, có hộ gia đình đạt sản lượng tới 2 - 3 tạ mì/ngày.

Về quy trình sản xuất mì Hùng Lô, chúng tôi được các hộ dân trong làng cho biết: Quy trình sản xuất mì đảm bảo sản xuất sạch ngay từ khi lựa chọn hạt gạo đảm bảo chất lượng, không sử dụng chất tẩy rửa, chất phụ gia và chất bảo quản, sợi mì được làm bằng gạo đảm bảo trắng mịn. Gạo sau khi được vo và rửa sạch sẽ đưa vào bể ngâm để hạt gạo nở ra.  Vào mùa hè, gạo chỉ nên ngâm trong khoảng thời gian từ 3 - 4 tiếng, còn vào mùa đông thì thời gian ngâm kéo dài hơn là từ 6 - 7 tiếng; nếu ngâm lâu quá, gạo sẽ bị chua, còn ngâm ít quá thì gạo không nở đủ độ, do đó mì sẽ không được mềm và dai.

Sau khi ngâm xong gạo cũng cần phải rửa qua một nước nữa rồi mới tiến hành cho vào cối xay thành bột. Tuy nhiên, vì không sử dụng chất tẩy rửa, nên quy trình ngâm và vo gạo diễn ra lâu hơn. Bột nước sau khi xay sẽ được cho vào lọc để loại bớt cặn bã, sau đó sẽ cho vào dụng cụ ép chuyên dụng là “vam” để loại bỏ nước, giữ lấy phần bột, đây là sáng tạo trong quá trình làm nghề của người dân đúc rút ra, làm như vậy thì quá trình lọc sẽ nhanh hơn. Mì sau khi đun thành sợi sẽ được ủ trong khoảng 13 -14 giờ, để đảm bảo cho mì có độ tơi. Sau đó sẽ tiến hành giũ các sợi mì này để đem phơi, công việc này thường được thực hiện trong khoảng thời gian sáng sớm, vì như vậy sẽ đảm bảo mì được phơi khô trong ngày.

Không chỉ nổi tiếng về sản phẩm mì gạo Hùng Lô, làng nghề này còn là một điểm khám phá du lịch vô cùng thú vị
Các sản phẩm mì gạo Hùng Lô dần xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, giaothuong.net.

Mì gạo tại xã Hùng Lô có tiếng là ngon bởi ngay từ ngày xa xưa, mì Hùng Lô đã được làm thủ công, với những bí quyết gia truyền của người dân làng nghề đã tạo nên những sợi mì nhỏ, trắng, sạch, dai, nấu không bị nát… nhờ đó mà thương hiệu vang xa.

Bên cạnh đó, mì gạo Hùng Lô còn mang hương thơm đặc trưng riêng của vùng đất tổ, không hề sử dụng hóa chất, sợi mì bóng đẹp. Có lẽ vì thế, bát canh mì gạo với thịt gà, mộc nhĩ trở thành hương vị không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của người dân Việt từ xa xưa.

Theo chia sẻ của anh Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô cho biết: Cuối năm 2016, anh Duy vận động người dân trong xã thành lập HTX mì gạo Hùng Lô với 9 thành viên ban đầu.

Đến năm 2017, số lượng thành viên của HTX nâng lên 12 người. Cũng trong năm 2017, bằng các nguồn vốn tự có, vốn do các hội viên đóng góp, các tổ chức cho vay, HTX đã đầu tư, mở xưởng sản xuất mì gạo, bắt tay vào xây dựng thương hiệu "Mì gạo sạch sinh ra từ làng Hùng Lô". Hiện, HTX mì gạo Hùng Lô sản xuất và tiêu thụ khoảng hơn 500 tấn mì gạo/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động, thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Từ những sản phẩm mì gạo chỉ tiêu thụ chủ yếu tại các chợ truyền thống của địa phương, giá thành thấp, trải qua thời gian, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã khoác lên mình diện mạo mới và ngày càng được nhiều người biết đến. Đến nay, HTX mì gạo Hùng Lô đã có ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Các sản phẩm mì gạo Hùng Lô dần xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, giaothuong.net.

Những ngày cuối năm, có dịp về thăm mảnh đất Hùng Lô không khó để bắt gặp hình ảnh trên khắp các nẻo đường trong làng như được nhuộm lên màu trắng tinh khiết của những tấm phên mì. Những chiếc xe chở đầy mì đi bán khiến cả làng Hùng Lô lúc nào cũng nhộn nhịp như những ngày thuở xưa.

Không chỉ nổi tiếng về sản phẩm mì gạo Hùng Lô, làng nghề này còn là một điểm khám phá du lịch vô cùng thú vị cho những ai yêu thích vẻ đẹp thôn quê, muốn tận hưởng một không gian sống yên bình trong những ngôi đình lịch sử nhiều năm tuổi.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu