01:09 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Ông tổ làng nghề nón lá Sai Nga và hành trình "giữ hồn" nón Việt

15:08 28/11/2022

(THPL) - Những tưởng thời gian và cuộc sống hiện đại sẽ làm nón lá đi vào dĩ vãng, thế nhưng có một ngôi làng, qua nhiều thế hệ vẫn đang âm thầm “giữ hồn” nón Việt. Đó là những nghệ nhân đất Sai Nga (thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ). Nổi tiếng là vậy nhưng có lẽ ít ai biết rằng: “Ông tổ” làng nón Phạm Văn Quất, là người có công truyền nghề cho bà con nơi đây.

Nằm bên dòng sông Thao hiền hòa đỏ nặng phù sa, bao đời nay người dân xã Sai Nga vẫn cần mẫn và tỉ mỉ với nghề làm nón lá truyền thống. Cũng bởi vậy, mà nhắc tới làng nghề nón lá Sai Nga, người ta thường nghĩ ngay tới câu ca quen thuộc:

“Hỡi ai đi ngược về xuôi

Muốn đội nón đẹp thì về Sai Nga”

Tới làng nón Sai Nga, hỏi thăm các cụ cao niên về “ông tổ” làng nón Phạm Văn Quất, ai nấy đều tự hào và truyền tai nhau về một người đàn ông đã mang nghề gia truyền dạy cho vợ con mình và những người dân nơi đây.

Người dân xã Sai Nga vẫn cần mẫn và tỉ mỉ với nghề làm nón lá truyền thống
Ông Phạm Đức Bình (thôn Văn Phú, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) con trai cả của cụ Quất đã có gần 40 năm gắn bó với nghề làm nón lá truyền thống (ảnh: Thùy Trang)

Theo tìm hiểu được biết, ông Phạm Văn Quất sinh năm 1917 tại làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP. Hà Nội). Năm 1949, ông Quất rời quê lên lập nghiệp ở vùng đất Cẩm Khê. Năm 1951, ông xây dựng gia đình với bà Trần Thị Nhung, người thôn Văn Phú, xã Sai Nga (nay là thị trấn Cẩm Khê, Phú Thọ).

Được kế thừa nghề làm nón truyền thống ở quê hương mình, ông Quất đã mang nghề gia truyền dạy cho gia đình và những người dân Sai Nga. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, nghề làm nón trở thành nghề mang lại kế sinh nhai cho hàng trăm hộ dân ở xã Sai Nga.

Để làm ra một chiếc nón người nghệ nhân phải mất khoảng 3 tiếng đồng hồ và trải qua rất nhiều công đoạn như: tìm chọn nguyên vật liệu, làm vanh, là lá, quay khâu, nức, nhôi, sấy… 

Sau khi người thợ xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu. Khâu là một công đoạn rất khó bởi không khéo là rách lá. Thông qua bàn tay của người nghệ nhân, kim được đưa nhanh thoăn thoắt, từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài. Sau khi khâu xong, cũng là lúc các nghệ nhân tìm cách trang trí cho tác phẩm của mình.

Giữa hai lớp lá mỏng, những hình hoa lá, hình bóng đôi, nét kiến trúc cổ kính được cài vào nón lá như những lời nói lặng thầm đầy thi tứ gửi gắm trong tác phẩm của mình. Đặc biệt, một chiếc nón đẹp phải đảm bảo mái nón phẳng phiu, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành theo những khoảng cách đều tăm tắp.

Muốn nón được trắng hơn, khi làm xong sẽ hơ qua diêm sinh.

Nón lá Sai Nga đã trở thành sản phẩm du lịch, là món quà độc đáo cho du khách mỗi khi đến với làng nghề.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nón lá Sai Nga vẫn mang dáng dấp của nón làng Chuông

Nếu trước đây, làm nón tại Sai Nga chỉ là nghề phụ nhưng đến nay nghề này đã giúp người dân trong làng có thêm thu nhập và được công nhận làng nghề truyền thống. Đặc biệt, từ khi có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua, nón lá Sai Nga đã trở thành sản phẩm du lịch, là món quà độc đáo cho du khách mỗi khi đến với làng nghề.

Hiện nay, người dân trong xã chủ yếu làm 2 loại: nón kỹ với giá 55.000 - 60.000 đồng/chiếc, nón thưa có giá 25.000 - 40.000 đồng/chiếc. Bình quân mỗi năm cả làng sản xuất ước đạt hơn 600.000 chiếc nón, doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nón lá Sai Nga vẫn mang dáng dấp của nón làng Chuông. Bên cạnh những yếu tố đẹp, mềm mại, uyển chuyển, độ bền cao thì nón lá Sai Nga ít nhiều đã có sự cải biên so với bản gốc. Nếu nón lá làng Chuông màu trắng đục thì nón Sai Nga màu trắng ngần, nón làng Chuông nức nón bằng chỉ đỏ thì nón Sai Nga nức bằng chỉ trắng.

Có dịp về thăm làng nón Sai Nga, chúng tôi không khỏi ấn tượng với hình ảnh các bà, các mẹ, các chị ngồi quây quần dưới hiên nhà khâu nón lá. Khung cảnh đó để lại cho chúng tôi một cảm giác thư thái, bình yên trên vùng quê hương đất Tổ.   

Mai Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu