05:00 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Hà thành hơn 40 năm giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống

Thảo Nguyên | 08:10 31/08/2020

(THPL) - Mặt nạ giấy bồi – một trong những đồ chơi Trung thu mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam được vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa - Đặng Hương Lan gìn giữ trong suốt hơn 40 năm qua.

Hơn 40 năm nay, ông Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1954) và vợ là bà Đặng Hương Lan (sinh năm 1960) hằng ngày vẫn cặm cụi với công việc làm mặt nạ giấy bồi trong căn nhà nhỏ số 73 phố Hàng Than (Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Ông Hòa cho biết, nghề làm mặt nạ giấy bồi là nghề truyền thống của gia đình vợ. Gia đình bà Lan có 8 anh chị em nhưng duy nhất bà Lan theo nghề của các cụ. Năm 1979, khi 2 ông bà lấy nhau, bố vợ đã truyền nghề cho ông.

Hơn 40 năm nay, 2 nghệ nhân vẫn cặm cụi với những chiếc mặt nạ giấy bồi mỗi dịp Trung Thu về.

Hiện nay, gia đình ông là gia đình hiếm hoi ở Hà Nội còn theo nghề. Căn gác xép rộng chừng 20m2 được chia làm hai, một bên để ông ngồi bồi giấy làm phôi mặt nạ, một bên để bà ngồi xếp sản phẩm đã được làm hoàn thiện chờ đem đi bán. Với hơn 30 chiếc khuôn lớn nhỏ được đúc bằng xi măng, giấy vở học sinh đã qua sử dụng, giấy bìa cát tông, giấy báo và bột sắn quấy làm hồ, sơn tổng hợp các màu, vợ chồng ông Hòa đã cho ra đời không biết bao nhiêu sản phẩm mặt nạ giấy bồi ngộ nghĩnh, thấm đẫm nét văn hóa truyền thống Việt Nam.

Ngày thường, mặt nạ giấy bồi chủ yếu được bày bán trong các cửa hàng lưu niệm phục vụ du khách nước ngoài mua làm quà, chỉ dịp Trung thu, sản phẩm mới thực sự trở lại là món đồ chơi cho trẻ em. 

Bồi giấy tạo khuôn mặt nạ.

Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống thành công là cả một quá trình lao động miệt mài, đầy công phu. "Tất các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, nhẫn nại mà chỉ có tình yêu nghề thực sự mới có thể biến sự khó khăn trở thành niềm vui", bà Lan tâm sự. 

Với các khuôn xi măng được đúc sẵn các hình thù ngộ nghĩnh như: Thị Nở, Chí Phèo, chú Tễu, Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không, Thỏ Ngọc, các con vật…, trước tiên, nghệ nhân sẽ lót vào đó một lớp giấy trắng. Kế tiếp, nghệ nhân xé nhỏ từng mảnh giấy và dán chúng thành từng lớp. Cứ thế, khoảng 5, 6 lớp giấy vụn dán chồng lên nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn sẽ thành hình một chiếc mặt nạ giấy bồi.

Chiếc mặt nạ bản mộc bắt đầu được bà Lan tô vẽ

Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ mang phơi khô, mà phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh. Vì thế, chỉ những ngày nắng, ông bà mới sản xuất còn ngày mưa thì tạm nghỉ.

Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc rạng rỡ, tươi sáng không bị lấm lem. 

Vài năm trở lại đây, để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ông Hòa còn sáng tạo thêm khuôn hình các nhân vật truyện tranh nước ngoài như Batman, Người nhện…

Cũng như các sản phẩm văn hoá dân gian khác, chiếc mặt nạ giấy bồi phản ánh khá rõ nét cuộc sống và những mong ước của người dân đất Việt xưa. Mặt nạ hình ông Địa với hình dáng tròn vo và sắc thái vui tươi tượng trưng cho sự màu mỡ sinh sôi nảy nở của đất đai, mùa màng. Mặt nạ hình thỏ ngọc tượng trưng cho sự đẹp đẽ, hài hoà của đất trời, ngày đêm ước vọng về thời tiết mưa thuận gió hoà cho sản xuất nông nghiệp….

Mặt nạ giấy bồi gửi gắm những ước mơ của người Việt xưa. 

Gắn bó với nghề truyền thống cha ông bằng tất cả sự trân quý, 2 nghệ nhân cuối cùng của Hà Nội làm mặt nạ giấy bồi vẫn mang nặng trong nỗi lo nghề bị mai một.

Ông bà bảo, nhìn những vị khách nước ngoài du lịch Việt Nam tìm mua mặt nạ giấy bồi, ông bà vui lắm bởi sản phẩm thủ công mang đậm hồn Việt sẽ được quảng bá ra khắp thế giới. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến ông bà chạnh lòng bởi trẻ em Việt Nam ngày nay gần gũi đồ chơi công nghệ, đồ chơi ngoại nhập ngập tràn thị trường hơn là chiếc mặt nạ giấy bồi mộc mạc.

Mặt khác, cho dù hiện nay ông bà vẫn hàng ngày miệt mài làm nên những chiếc mặt nạ giấy bồi , nhưng liệu thế hệ con cháu còn tiếp tục  theo đuối nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, cả ngày gò lưng xé giấy, tô vẽ.... nhưng thu nhập cũng chỉ ở mức tàm tạm, bảo đảm cuộc sống chứ không thể làm giàu được. 

Những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh khiến du khách nước ngoài tò mò thích thú.

"Làm thế nào để kết nối người trẻ Việt với những giá trị văn hóa dân gian là câu hỏi chưa dễ gì trả lời được. Những chiếc mặt nạ vừa mang tính giải trí vừa chứa đựng đầy ắp những giá trị văn hóa truyền thống sẽ dần dần bị mai một nếu thế hệ chúng tôi mất đi. Điều này khiến chúng tôi buồn lắm", ông bà tâm tư. 

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu