01:14 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi - Người làm hồi sinh nghệ thuật thêu cung đình đỉnh cao

08:16 25/08/2020

(THPL) - Với tấm lòng trân quý giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi khiến nghệ thuật thêu trang phục cung đình tưởng chừng đã mai một được hồi sinh.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi sinh năm 1969 ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Quê anh trước kia vốn nổi tiếng bởi nghề thêu các trang phục hoàng cung cho triều đình nhà Nguyễn. Trải qua những biến thiên của lịch sử, đến thời của anh Giỏi thì nghề này hoàn toàn không còn "đất" để "dụng võ", những kỹ thuật thêu trang phục cung đình đứng trước nguy cơ thất truyền. 

Cơ duyên khiến anh Giỏi trở thành người phục dựng trang phục truyền thống cung đình, đồng thời khiến kỹ thuật thêu trang phục cung đình được hồi sinh và anh trở thành người nắm giữ bí quyết thêu cung đình đầy đủ nhất, là vào năm 1994, một Việt Kiều tìm đến anh đặt hàng làm một số bộ trang phục hoàng cung. Nhận lời khách nhưng lúc bấy giờ, anh chưa thể hình dung ra hết sự khó khăn để hoàn thành một mẫu trang phục.

Bởi lẽ, do chiến tranh loạn lạc, thời tiết, thiên tai... những bộ hoàng bào, long bào, trang phục của vua chúa, hoàng thân quốc thích... còn sót lại rất hiếm hoi. Ngoài ra, tài liệu, sách vở về trang phục hoàng gia cũng rất ít ỏi, lại toàn ảnh đen trắng, truyền thần không rõ nét. Vì thế, anh phải mày mò nghiên cứu mọi "manh mối" cẩn thận từng li từng tí chẳng khác nào nhà nghiên cứu văn hóa. Đồng thời, anh còn phải lặn lội đến các đình chùa, nghiên cứu, vẽ lại những hoa văn, họa tiết trang phục được thể hiện trên các tượng thờ, đồng thời học hỏi qua sự truyền dạy của các cụ già trong làng.
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi. Ảnh: Lê Bích

Nhưng để hoàn thiện những họa tiết ấy thành bộ trang phục không hề đơn giản, nó đòi hỏi nghệ nhân phải tư duy tổng hợp, sắp xếp sao cho hợp lý nhất. 

Hoàn thiện một mẫu trang phục trên giấy vốn đã gian nan nhưng bắt tay vào thực hiện lại còn khó khăn gấp bội. Anh lại bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật thêu, nguyên vật liệu để tạo nên loại trang phục đặc biệt này.  Từng màu chỉ thêu, từng đường kim, mũi chỉ, từng chiếc khuy áo, từng họa tiết nhỏ nhất cũng khiến anh Giỏi mất rất nhiều thời gian, công sức để cuối cùng, thành quả tạo nên từ chuỗi thời gian dài miệt mài lao động là những mẫu trang phục cung đình đúng như nguyên bản, đích thực là tác phẩm nghệ thuật thêu đỉnh cao. 

Mỗi đường kim mũi chỉ  đều chứa đựng cả tâm huyết của nghệ nhân

Nói về sự kỳ công, khắt khe đối với loại trang phục dành cho tầng lớp vua chúa thưở xưa, anh Giỏi cho hay,  ví như long bào của vua thì phải dùng chỉ thêu se hai chiều nhưng áo hoàng hậu chỉ được dùng loại chỉ se một chiều. Kim tuyến trên áo vua sẽ có màu riêng biệt, màu kim tuyến trên áo hoàng hậu cũng sẽ khác áo công chúa, hoàng tử... Chỉ riêng chỉ thêu cũng đến hàng trăm màu, hoàn toàn nhuộm bằng thảo dược chứ không sử dụng chất nhuộm công nghiệp. Do đó, anh Giỏi phải đặt hàng riêng từ một số thợ thủ công. 

Mỗi chiếc áo trung bình dùng hết hơn 14m vải, không phải nhiều người cùng làm một lúc được mà tối đa chỉ 3 - 4 người cùng làm. Cầu kỳ, tỉ mỉ là thế nên đối với bộ trang phục đơn giản nhất, có đủ hết nguyên liệu, chỉ tập trung vào phục dựng thì bộ áo đơn giản nhất cũng cần 4 thợ thêu làm việc trong khoảng 6 tháng, còn bộ phức tạp phải huy động tới 7 - 8 thợ thêu ròng rã 15 tháng. Thậm chí có những bộ phải mất hàng năm trời mới hoàn thành.

Trang phục cung đình do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục dựng được sử dụng trong seri phim "Thăng Long nhân kiệt".

4 năm trời kể khi bắt tay vào phục dựng chiếc áo đầu tiên, bỏ đi hơn 20 chiếc áo cung đình do nhiều lỗi khác nhau, lúc là màu chỉ không chuẩn, khi mũi thêu không đạt...mới chỉ được coi là giai đoạn "thử nghiệm" để dần rút kinh nghiệm cho những tác phẩm sau này. 

Từ tác phẩm đầu tay là chiếc long bào phục dựng của thái tử triều Nguyễn, trải qua 26 năm, đến nay, bộ sưu tập trang phục cung đình của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã lên tới hàng chục bộ. Tiêu biểu trong số đó là các bộ long bào của vua Đồng Khánh, Bảo Đại, Tự Đức, hoàng thái tử, hoàng hậu.. Những tác phẩm này hiện được trưng bày tại bảo tàng cung đình Huế. 

Những bộ trang phục do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi thực hiện cũng được sử dụng trong "Thăng Long nhân kiệt", seri phim tài liệu lịch sử làm về chân dung các nhân tài hào kiệt trong lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Nghệ nhân Giỏi tâm sự, nếu không trân quý những giá trị văn hóa dân tộc, niềm khát khao hồi sinh những bộ trang phục cung đình không đủ lớn, chắc hẳn anh khó lòng vững bước trên con đường đầy gian nan để tìm tòi, kế thừa và phát huy những di sản của cha ông. 

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu