Mùng 1 Tết Đinh Dậu, Đại Nội (cố đô Huế) mở cổng không bán vé nên thu hút rất đông người dân và du khách vào tham quan. Phía sau Điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tái hiện lại các trò chơi ngày Tết trong cung đình triều Nguyễn xưa.
Trong các trò chơi chốn cung đình triều Nguyễn xưa, trò đổ xăm hường thu hút nhiều cung tần mỹ nữ chơi ngày Tết. Sau này, trò chơi được lan truyền đến nhiều người Huế.
Một bộ xăm hường gồm 6 hạt xúc xắc cùng một bộ thẻ 6 loại. Các loại thẻ được gọi tên theo thứ tự là Nhất hường, Nhị hường, Tứ tự (hay còn gọi là Tứ tấn), Tam hường, Trạng em (Bảng nhãn, Thám hoa), Trạng anh (Trạng nguyên). Theo luật chơi thì khi gieo 6 hột xúc xắc, ra xăm hường nào thì nhận thẻ tương ứng. Gieo đến khi hết thẻ xăm thì trò chơi kết thúc.
Trò bài vụ với một chiếc vụ hình bát giác được dán hình 8 con vật. Người chơi sẽ đặt cược theo con vật nào, khi quay vụ, mặt nào nổi trên hình đúng với mặt đặt cược thì thắng.
Ngày xưa, các vua triều Nguyễn rất mê thơ và nhiều bài thơ của vua vẫn được khắc trên hệ thống kiến trúc gỗ ở cung điện và lăng tẩm. Trò chơi Trả Thơ cũng được người xưa chơi trong ngày Tết để đề cao việc học.
Theo luật chơi, một bài thơ sẽ được thay đổi một số chữ trong một câu thơ. Người chơi sẽ đặt thẻ vào các chữ đúng với bài thơ. Sau khi đặt, người quản trò sẽ đọc nguyên văn bài thơ để đối chứng.
Trò chơi đầu hồ là trò tiêu khiển của các vua quan và giới thượng lưu triều Nguyễn. Theo luật, người chơi cầm một cây phi tiêu bằng tre ném cho lọt vào miệng của một chiếc bình hồ lô được làm bằng gỗ. Nhiều du khách vào tham quan Đại Nội Huế đã bị trò chơi này cuốn hút.
Các thiếu nữ xứ Huế khi tham quan Đại Nội Huế cũng thử vận may đầu năm với trò đầu hồ. Muốn ném được tiêu vào hồ lô, người chơi phải khéo léo.
Ngoài việc tổ chức các trò chơi cung đình triều Nguyễn xưa, Trung tâm Bảo tồn cũng tổ chức cho chữ du khách tham quan đầu năm. Người nào thắng cuộc trong các trò chơi sẽ được tặng chữ.
Theo Vnexpress