09:38 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tàu thủy sắt tây - đồ chơi "công nghệ" độc đáo Made in Việt Nam

Thảo Nguyên | 08:00 24/08/2020

(THPL) - Không bóng bẩy, hào nhoáng như những món đồ chơi ngoại nhập nhưng rất có hồn bởi tàu thủy sắt tây, món đồ chơi "công nghệ" Made in Việt Nam, được tạo nên bằng tất cả tình yêu nghề của người nghệ nhân, vẫn chiếm vị trí trong lòng những người trân quý giá trị truyền thống.

Tết Trung thu đến gần, khi phố Hàng Mã ngập tràn sắc màu rực rỡ của các loại đồ chơi hiện đại thì một góc nhỏ nào đó trên con phố cổ Hà Nội vẫn bày bán món đồ chơi truyền thống “Made in Việt Nam”, từng là niềm khao khát, ao ước của nhiều thế hệ trẻ em Hà Nội - Tàu thủy sắt tây.

Tàu thủy sắt tây chạy trên mặt nước phát ra tiếng phành phạch từng là niềm mơ  ước của nhiều thế hệ trẻ em Hà Nội. 

Có điều lạ kì, mặc dù là món đồ chơi trẻ em nhưng đa số khách hàng lại ở độ tuổi trung niên trở lên. Họ là những người trân quý giá trị truyền thống, họ thường mua để làm quà tặng cho con cháu với mong muốn con trẻ hiểu và quý trọng nghề truyền thống của cha ông.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng (ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội), năm nay 56 tuổi nhưng đã có hơn 40 gắn bó với nghề làm tàu thủy sắt tây. Từ thuở lên 10 tuổi, ông đã giúp bố mẹ làm những chi tiết của món đồ chơi độc đáo này và đến nay, chỉ còn một mình ông trong làng Khương Hạ theo đuổi nghề. Nhà ông có 8 anh chị em, trước kia đều làm tàu thủy sắt tây, nay chỉ còn duy nhất ông theo đuổi nghề. Nhà ông chỉ có hai cô con gái đang đi học nên ông Hùng rất lo nguy cơ nghề này sẽ mai một dần. 

Tàu thủy sắt tây không đơn giản là đồ chơi mà nó đã đi vào miền ký ức, gợi nhớ bao kỷ niệm của những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong thời kỳ bao cấp đầy gian khó.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng trăn trở lo nghề truyền thống cha ông bị mai một. 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng cho hay, thời hoàng kim của món đồ chơi tàu thủy sắt tây là khi đồ chơi ngoại nhập sản xuất công nghiệp mẫu mã phong phú, hào nhoáng chưa tràn vào Việt Nam. Lúc ấy, cả làng Khương Hạ có cả trăm hộ làm nghề. Cứ từ độ tháng 6 trở đi, khắp làng rộn ràng tiếng gõ, tiếng hàn xì, kẻ mua người bán tấp nập. Dần dần, số hộ theo nghề giảm xuống, và đến giờ, chỉ còn hai người theo nghề.

Dù khá kén người mua nhưng hiện nay, nhờ công nghệ thông tin, việc quảng bá sản phẩm cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với cách bán hàng truyền thống nên mỗi dịp Tết Trung thu, nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng vẫn phải làm hết công suất mới đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Mùa Trung thu, trung bình ông bán được 300 – 400 chiếc. Sản phẩm làm theo đơn đặt hàng, đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ngoài ra, sản phẩm còn được bán quanh năm tại một số cửa hàng trên phố Hàng Thiếc, phố Nhà Thờ để phục vụ khách du lịch nước ngoài.

Để làm ra một chiếc tàu thủy chạy trên mặt nước - món đồ chơi “gây thương nhớ”, ông Hùng phải thu gom sắt tây từ những lon sữa, lon đồ hộp.... rồi cán phẳng, sau đó cắt tạo hình. Rất nhiều chi tiết làm thủ công lắt nhắt, đòi hỏi sự tỉ mỉ mà chỉ có tình yêu nghề ngấm vào máu thịt mới níu giữ nghệ nhân gắn bó mà thôi.

Ngoài tạo hình các chi tiết rồi hàn chúng lại với nhau thì chi tiết quan trọng nhất để tàu thủy chạy được và phát ra tiếng kêu phành phạch rất có “hồn” chính là cái nồi máy. 

Món đồ chơi "công nghệ" made in Việt Nam .

Món đồ chơi "công nghệ" này được làm dựa trên kiến thức vật lý cơ bản: đốt nóng nồi hơi bên trong tàu, nhiệt truyền vào ống dẫn nước khiến nước nóng lên tạo ra lực đẩy tàu di chuyển. Bí quyết là ở cái nồi hơi và lá đồng bên trong nồi hơi, nếu làm không đúng kỹ thuật, chiếc tàu sẽ thành tàu “điếc”, chỉ thả trôi nổi trên mặt nước chứ không chạy được và không tạo được tiếng kêu “phành phạch” như tàu thủy thật.

Khoang tàu bên dưới chứa những lá đồng mỏng được nối với hai ống đựng nước hai bên thân tàu. Khi bị đốt những lá đồng nóng lên rồi lại xẹp xuống do giãn nở, lúc phồng lên, nước lạnh được hút vào một bên đầu ống, nước vào làm lá đồng mát trở lại và xẹp xuống, nước lại bị đẩy sang bên kia. Chu trình đẩy lên – xuống liên tục của lá đồng tạo nên tiếng phành phạch đặc trưng của tàu thủy sắt.

Tàu thủy sắt tây chế tạo thủ công nên phải mất từ khoảng 2 ngày, có khi cả tháng mới hoàn thành được một chiếc. Tùy kích cỡ, giá thành dao động khoảng 300 nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng.  

Dù hiện nay nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng vẫn sống được với nghề nhưng điều khiến ông trăn trở nhất chính là liệu nghề truyền thống của cha ông có người tiếp nối hay không. “Tôi làm vì không muốn nghề truyền thống cha ông bị mai một, làm để mong có người tiếp tục giữ nghề, yêu nghề”, ông Hùng tâm sự.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu