15:52 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chuồn chuồn tre Thạch Xá – “Tung cánh” bay xa

Thảo Nguyên | 12:05 18/07/2020

(THPL) – Những chú chuồn chuồn tre được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội, tuy rất đỗi giản dị nhưng đã “tung cánh” bay đến nhiều phương trời, góp phần quảng bá sản phẩm thủ công Việt Nam ra khắp thế giới.

Gần 20 năm nay, làng Thạch Xá nằm dưới chân núi Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội), cách trung tâm thủ đô Hà Nội chừng 35 km, trở nên nổi tiếng bởi nghề làm chuồn chuồn tre độc đáo.

Hàng ngày, từ ngôi làng nhỏ bé luôn vang tiếng lách cách chặt tre, hàng chục ngàn chú chuồn chuồn xinh xắn, rực rỡ “tung cánh” bay tới nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và nhiều nước trên thế giới: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Chuồn chuồn tre 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái (làng Thạch Xá) là một trong những người đầu tiên mày mò và làm thành công sản phẩm chuồn chuồn tre độc đáo. Nói về sản phẩm thủ công mang đậm chất hồn quê Việt Nam, ông Tái cho biết, ban đầu, chuồn chuồn tre được làm ra chỉ để làm đồ chơi cho lũ trẻ thôn quê. Những chú chuồn chuồn màu sắc sặc sỡ đậu trên tay lũ trẻ, đậu trên những cành tre, cành hoa..., chấp chới khi gió thổi qua mang lại nhiều niềm vui, tiếng cười trẻ thơ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tài, một trong những người đầu tiên làm thành công chuồn chuồn tre. 

Niềm vui trong trẻo có sức lan tỏa mãnh liệt, những chú chuồn chuồn tre dần dần “bay” khỏi lũy tre làng, theo chân khách du lịch đi khắp mọi miền.

Để tạo nên những chú chuồn chuồn tre giản dị nhưng có sức hấp dẫn tuyệt vời, những nghệ nhân, thợ thủ công làng Thạch Xá phải trải qua hơn 10 công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và nhẫn nại. Làng quê Việt Nam thì chỗ nào chẳng có cây tre, tuy nhiên, tre dùng làm chuồn chuồn lại phải là loại tre đặc biệt mềm dẻo, được tìm thấy ở Hòa Bình, Tuyên Quang hay Vĩnh Phúc. Mà phải là loại tre dài, trắng, đang ở độ bánh tẻ, tức không non hay không già quá sẽ cho độ đàn hồi tốt nhất.

Cạo lớp vỏ xanh của cây tre hay còn gọi là cạo "tinh tre" là công đoạn vất vả nhất trong các công đoạn tạo ra sản phẩm chuồn chuồn tre. 

Sau khi chọn được nguyên liệu tre đạt yêu cầu, người thợ Thạch Xá bắt đầu cạo vỏ xanh của cây tre hay còn gọi là cạo "tinh tre". Đây là công đoạn nặng nhọc nhất trong các công đoạn tạo ra chuồn chuồn tre. Cạo hết "tinh tre", cây tre sẽ trở nên trắng ngần để vào các công tiếp theo. Đó là pha tre, tức chia tre thành từng đoạn theo kích cỡ định sẵn; cắt, chuốt tạo hình thân chuồn chuồn và 4 cánh. Việc cắt, chuốt mặc dù có “khuôn” để căn chỉnh nhưng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, sự nhạy cảm của đôi bàn tay người thợ.

Chuồn chuồn tre bản mộc, chưa được sơn trang trí.

Người thợ phải làm sao vót được “mỏ” chuồn chuồn không quá dài hay quá ngắn, 4 cánh phải thật cân đối, độ dày mỏng bằng nhau. Có như vậy, khi lắp rắp các chi tiết với nhau, chuồn chuồn mới giữ được thăng bằng. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Thị Xoan chia sẻ, khâu khó nhất vẫn là căn chỉnh các bộ phận chuồn chuồn tre thật chính xác, cân bằng lực. Có như vậy, chuồn chuồn tre mới giữ được thăng bằng, không lệch. Chuồn chuồn chấp chới, rung ring rất có hồn, tựa như chú chuồn chuồn thật nhưng không rơi khi “đậu” trên bề mặt dù rất nhỏ như sợi chỉ khi có lực tác động. 

Bà Nguyễn Thị Xoan cho biết, căn chỉnh sao cho chuồn chuồn tre cân bằng, không nghiêng, đổ là khó nhất. 

Sau khi tạo được chú chuồn tre đạt yêu cầu về độ cân bằng lực, chuồn được sơn phủ 1 lớp sơn màu và đem phơi khô 24 giờ. Tiếp đó, các chú chuồn bắt đầu được “mặc” những bộ áo sặc sỡ, đủ 7 sắc cầu vồng rực rỡ, tươi sáng. Để điểm xuyết thêm bộ cánh rực rỡ của chú chuồn tre, người thợ còn sơn thêm 3 màu, tạo điểm nhấn, thu hút mọi ánh nhìn.

Vẽ trang trí lên chuồn chuồn tre. 

Sản phẩm thủ công mô phỏng loại vật rất đỗi thân thuộc ở làng quê Việt Nam, bình dị, mộc mạc là thế nhưng chứa đựng trong đó là cả tâm huyết, sự sáng khéo léo mà không máy móc nào có thể thay thế được của những nghệ nhân, thợ thủ công Thạch Xá. Chính lẽ đó, chuồn chuồn tre Việt Nam được đón nhận với niềm yêu thương tại nhiều đất nước .

Chuồn chuồn tre, sản phẩm thủ công độc đáo của Thạch Xá mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây, chính vì vậy, địa phương rất tạo điều kiện để các hộ sản xuất mở lớp học nâng cao tay nghề cho lớp trẻ.

Chuồn chuồn tre Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. 

“Chuồn chuồn tre mang ý nghĩa về sự vững vàng, thăng bằng trong cuộc sống, dù hoàn cảnh nào đi nữa. Có như vậy, ta sẽ tạo nên những điều vui tươi, hạnh phúc cho bản thân và xã hội. Tôi chỉ mong lớp trẻ giữ vững và phát huy được nghề , để chuồn chuồn tre bay cao, bay xa hơn nữa.”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tái chia sẻ.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu