21:57 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tinh hoa nghề dát vàng Kiêu Kỵ

Thảo Nguyên | 17:07 06/03/2020

THPL - Quyết tâm gìn giữ nghề quý của cha ông, các nghệ nhân và người thợ làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) đã phát huy được những tinh hoa nghề dát vàng bạc cực kỳ tinh xảo, trở thành niềm tự hào của dân làng Kiêu Kỵ nói riêng và Việt Nam.

Đặt chân đến làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), ta sẽ nghe âm thanh tiếng búa đều đều vang vọng khắp nẻo ngõ ngách từ sáng đến tối. Đó là tiếng búa giã quỳ vàng, bạc (dát vàng, bạc thành miếng cực mỏng) của thợ làng Kiêu Kỵ. Người dân Kiêu Kỵ tự hào là địa phương duy nhất ở Việt Nam có nghề dát vàng, bạc cực "sang chảnh".

Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, có thời kỳ, những thanh âm ấy đã tạm ngưng. Nhưng đến hôm nay, với sự trân quý và tình yêu nghề tha thiết, người làng Kiêu Kỵ không chỉ giữ được nghề mà còn phát triển nghề, từ đó mang lại nguồn thu nhập đáng kể và cuộc sống làng quê ngoại thành Hà Nội ngày một thay da đổi thịt.

Những người thợ đang thực hiện công đoạn giã quỳ vàng bạc.

Nghệ nhân Lê Bá Chung (làng Kiêu Kỵ) tâm sự: “Lá giống – nguyên liệu đầu tiên và quan trọng để làm ra sản phẩm quỳ vàng, bạc có thời làng nghề không chủ động làm được, phải nhập. Nguồn hàng khó khăn, cộng với kinh tế giai đoạn chuyển đổi, làm quen với cơ chế thị trường nhiều bỡ ngỡ nên lúc đó nghề dát vàng Kiêu Kỵ đứng trước nguy cơ mai một”. Quyết  tâm phải giữ được nghề quý của cha ông, ông Chung đã mày mò tìm ra cách làm giấy giống đạt yêu cầu chất lượng. Đồng thời, những người thợ của làng mạnh dạn tìm kiếm, tiếp cận thị trường mạnh mẽ hơn. Dần dần, nghề được khôi phục và phát triển. 

Lá vàng dát mỏng xếp xen kẽ giữa những miếng giấy quỳ (giấy giống).
Lá vàng mỏng tang được dùng để dát lên những vật phẩm quý giá.

Với sự sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, từ chỗ để làm ra một sản phẩm cuối cùng là những những miếng vàng bạc dát cực mỏng, người thợ phải trải qua hơn 40 công đoạn hoàn toàn thủ công, thì nay đã giảm xuống còn 20 công đoạn. Công sức bỏ ra ít hơn mà hiệu suất lao động lại cao hơn nên các nghệ nhân cũng mở được nhiều lớp, truyền được nghề cho nhiều người hơn.

Tượng thờ dát vàng. 
Linh vật Dê vàng được dát bằng quỳ vàng Kiêu Kỵ

Tuy thế, nghề dát vàng bạc vẫn đòi hỏi người thợ phải cực kỳ kiên trì và khéo léo, dồn hết cả tâm huyết vào đó. Bởi lẽ, mỗi công đoạn là cả quá trình lao động hết sức tỉ mỉ, yêu cầu cao về kỹ thuật, đòi hỏi sự cảm nhận chính xác tuyệt vời của con người mà không máy móc nào thay thế được. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng khiến sản phẩm lỗi không cách nào cứu vãn.  

Chữ dát vàng

Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Vòng, người đã hơn 60 năm gắn bó với nghề, chia sẻ, toàn bộ quá trình làm ra miếng quỳ vàng, bạc chia 3 phần chính gồm: Làm lá giống, dát mỏng vàng bạc, nong chại. Cả 3 khâu đều đòi hỏi những người thợ đảm nhận phải làm hết sức tỉ mỉ, cẩn thận.

Nghệ nhân Lê Văn Tòng, người đã gắn bó với nghề dát vàng bạc hơn 60 năm

Làm lá giống chính là công đoạn người thợ tạo ra tấm giấy đặc biệt gọi là giấy quỳ. Mỗi chỉ vàng được cán thành 1 sợi dài khoảng 1 mét, rộng 0,7 – 0,8 cm. Sau đó, sợi vàng này sẽ được cắt thành miếng vuông nhỏ khoảng 1 cm vuông và xếp xen kẽ với giấy quỳ cắt sẵn khoảng (rộng 4 cm vuông) thành từng chồng ngay ngắn khoảng 500 miếng.

Sau đó, người thợ sẽ dùng miếng vải mịn buộc chặt chồng giấy quỳ và vàng để cố định vị trí rồi đặt khối này lên phiến đá lớn, dùng búa giã cho những miếng vàng trong đó mỏng ra. Thời gian người thợ giã búa mất từ 40- 45 phút.

Qua thêm một lần cắt miếng vàng, bạc nhỏ nữa rồi lại xếp xen kẽ với giấy quỳ, buộc chắc và đập liên tục khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa, miếng vàng, bạc đã được dàn mỏng đều. Đây là công đoạn luyện quỳ khó nhất đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sức bền và sự khéo léo trong từng quai búa đập xuống. Giai đoạn này sẽ quyết định vàng dát có màu sáng óng hay xỉn.

Một chỉ vàng có thể được dát mỏng thành 980 lá vàng.

Cuối cùng là giai đoạn nong chại quỳ, đây là giai đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn và tinh tế nhất. Người thợ sẽ xếp từng miếng vàng đã dát mỏng lên giấy quỳ, phải thật cẩn thận để chúng không bị rách hay dính vào tay. Những lá vàng này mỏng đến mức một hơi thở cũng có thể khiến chúng bị thổi bay. Vì vậy, công đoạn này phải được thực hiện ở nơi kín gió.

Từ 1 chỉ vàng, người thợ làng Kiêu Kỵ có thể tạo ra 980 lá vàng, bạc, tương đương diện tích khoảng 1 mét vuông. Đây là điều mà cho đến nay, không máy móc hiện đại nào có thể làm được. Sản phẩm vàng, bạc quỳ do người thợ Kiêu Kỵ làm ra sẽ dùng được dát những hoành phi, câu đối, lăng tẩm, vật phẩm thờ cúng.... Sản phẩm này cũng đã được xuất khẩu xuất khẩu nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra, hiện nay, quỳ vàng bạc còn được một số nghệ sĩ sử dụng để dát trong những tác phẩm nghệ thuật của họ. 

Tác phẩm nghệ thuật sử dụng kỹ thuật dát vàng

“Tôn kính Tổ nghề. Tâm huyết với nghề. Trung thực với nghề. Tinh xảo sản phẩm. Giữ gìn nét văn hóa truyền thống của nghề” chính là những điều mà các nghệ nhân nhiều thế hệ trước cũng như nghệ nhân Lê Văn Vòng, nghệ nhân Lê Bá Chung... đã và đang canh cánh, trăn trở, nỗ lực truyền lại cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Theo ghi chép của làng, Tiến sĩ Nguyễn Quý Trị, thời vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786), chính là ông tổ của nghề dát vàng Kiêu Kỵ. Ông đã mang nghề dát vàng bạc để sơn thếp lên hoành phi câu đối học được khi đi xứ Trung Quốc về nước, truyền nghề cho người dân Kiêu Kỵ vốn nổi tiếng khéo tay tỉ mỉ, khéo léo.

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu