21:28 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh - Người "giữ lửa" làng nghề Sơn Đồng

Đại Thuỷ | 13:57 09/07/2020

(THPL) - Những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất đồ thờ, tượng Phật của nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh (xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội) – một trong những cơ sở uy tín tại làng nghề truyền thống Sơn Đồng. Qua bàn tay khéo léo và tài hoa, các sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh đang từng ngày góp phần đưa làng nghề phát triển và phồn thịnh hơn.

Chưa kịp bước chân vào xưởng nhà nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, chúng tôi đã nghe thấy những âm thanh giòn tan của tiếng đục, tiếng đẽo và tiếng chạm khắc gỗ. Nhịp sản xuất tại đây lúc nào cũng khẩn trương, miệt mài, như cách mà nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh vẫn bền bỉ duy trì và phát triển với nghề gần 40 năm qua.

Nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh là một trong số nhiều người con của làng nghề Sơn Đồng bao năm qua vẫn gắn bó và phát triển nghề của cha ông truyền lại.

Chẳng phải bôn ba nơi xứ người, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh là một trong số nhiều người con của làng nghề Sơn Đồng bao năm qua vẫn gắn bó, luôn cố gắng và phát triển nghề của cha ông truyền lại. 

Rót chén trà nóng mời chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh kể về sự bén duyên với nghề, với mảnh đất được mệnh danh là "địa linh nhân kiệt" – làng nghề Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội.

Anh kể rằng: Ban đầu, làm nghề với anh chỉ với mục đích mưu sinh, nhưng cũng không biết từ bao giờ mà anh trở nên yêu nghề, say nghề và từ đó không ngừng học hỏi, sáng tạo và gìn giữ nghề truyền thống đến hôm nay.

“Có lẽ cái nghề của tôi vốn đã ngấm vào máu rồi, kể từ những ngày theo bố đi chăn trâu, được bố nặn cho những con giống, những ông tượng để chơi, bố vừa dạy nặn vừa giải thích từng tích tứ linh, tứ quý, tỷ lệ, tích của các pho tượng để rồi bây giờ tôi ngày một say mê hơn với đục, đẽo và những âm thanh lách cách”…

Nói thêm về con đường xây dựng thương hiệu riêng của đồ thờ Nguyễn Viết Thạnh, anh cười xòa mà rằng: “Cửa hàng anh luôn đa dạng các mặt hàng: từ những bức tượng ông Thiện, ông Ác oai nghiêm; tượng Phật nghìn tay nghìn mắt,…đến những bộ bàn thờ, câu đối sơn son thếp vàng"...

Cũng theo tâm sự của anh thì quy trình chế tác các sản phẩm ngoài phương thức chung thì mỗi nghệ nhân trong làng lại có những thủ pháp riêng không giống nhau, đó là cái trời phú cho mỗi người. 

Chẳng hạn: Để chế tác ra những bức tượng Phật, tượng Thánh, ông hạc, ông ngựa, hoành phi câu đối, long, ly, quy, phượng... người thợ điêu khắc Sơn Đồng phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất linh hồn của vị Phật, vị Thánh; phải học hỏi tâm đức từ các vị để nâng cao tâm hồn, có ý thức tâm linh để nâng cao tay nghề, như vậy sản phẩm mới có giá trị.

Các sản phẩm đồ thờ tại cơ sở Nguyễn Viết Thạnh được rất nhiều khách hàng ưa chuộng 
Được biết, để tạo ra một sản phẩm đồ thờ, tượng Phật là một quá trình dài và không hề đơn giản 

Qua nhiều năm gắn bó và đưa thương hiệu Đồ thờ Nguyễn Viết Thạnh đến gần hơn với khách hàng, cơ sở đã trở thành nhà cung cấp của hàng loạt các sản phẩm như: tượng Phật, tượng tam – tứ phủ, đồ thờ treo tượng - cột… cho đông đảo khách hàng và các đại lý trên cả nước. Các sản phẩm không chỉ có sự đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại mà còn có giá cả rất phải chăng, làm hài lòng nhiều khách hàng gần xa.

Cũng theo chia sẻ của các nghệ nhân trong làng Sơn Đồng khẳng định: Khi các sản phẩm đã làm lên thương hiệu, thì khách hàng từ khắp nơi tự đổ về tìm mua vì tin tưởng. Cơ sở của nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh đã làm được điều này. Nhìn chung, khách từ khắp nơi đặt hàng quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 12.

Có thể thấy, mỗi sản phẩm như một công trình điêu khắc khiến người xem không giấu nổi sự choáng ngợp và ngưỡng mộ. Đôi khi chúng tôi tự hỏi, không hiểu bằng cách nào, từ các phương tiện, dụng cụ gì mà nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh lại tạo ra được những kiệt tác tuyệt vời đến như thế!

Chia tay chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh bùi ngùi chia sẻ: “Niềm vui của những người làm nghề như chúng tôi chính là được thả cái tâm, ý niệm của mình vào sản phẩm. Mình làm bằng cái tâm và hết khả năng của mình, kiên trì, say sưa đêm ngày nếu không ưng thì sửa lại cho đến khi được mới thôi. Lúc nào cũng luôn cố gắng để giữ lửa cho làng nghề truyền thống” ...

Theo thống kê của UBND Sơn Đồng: Hiện nay, làng nghề Sơn Đồng có hơn 300 hộ chuyên làm nghề mộc điêu khắc với trên 4.000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân tài hoa. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng trong những năm gần đây chiếm từ 60 đến 65% cơ cấu kinh tế của địa phương. Người lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, những sản phẩm tại các cơ sở của làng không chỉ có mặt tại các chùa, đền, miếu và tư gia lớn, nhỏ trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước, mà còn được xuất đi thị trường nước ngoài như nước Úc và Canada.

Đại Thuỷ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu