22:24 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Trung thu, đến thăm người “giữ lửa” trò chơi dân gian

09:10 18/08/2020

(THPL) - Những tưởng diều sáo và các trò chơi dân gian truyền thống đã mai một theo sự phát triển của xã hội. Ấy vậy mà, vẫn có những người thầm lặng bám nghề để gắng sức giữ lại những món đồ chơi giản dị nhưng đầy hữu ích. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền với hình ảnh cánh diều và tiếng sáo là một trong số những người như vậy.

Từ lâu, người dân thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) đã quá quen thuộc với hình ảnh cánh diều, tiếng sáo vi vu trong những buổi chiều hè lộng gió. Đó là “đặc sản” quê hương, vì thế nhiều người dân ở thôn Đàn Viên vẫn luôn tự hào khi có ai đó nhắc đến trò chơi dân gian của làng quê mình.

Đặc biệt, mỗi khi hỏi về thú chơi diều sáo và các trò chơi dân gian truyền thống, ai nấy trong làng cũng chỉ đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền. Trong căn nhà nhỏ hẹp của nghệ nhân, không khó để bắt gặp những đèn kéo quân và những chiếc sáo diều rực rỡ sắc màu.

Nghệ nhân Quyền bên những chiếc đèn kéo quân 
Bằng bàn tay khéo léo, ông Quyền đã làm ra những chiếc sáo diều vô cùng đặc sắc

Chia sẻ với chúng tôi, về cái duyên gắn bó với nghề sáo diều ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: "Làng tôi ngày xưa các cụ chơi diều sáo vui lắm. Từ nhỏ, thấy các cụ chơi diều sáo, mình chưa làm được nhưng cũng tập vót cật tre uốn làm sáo. Khi diều bay lên, có gió thổi vào sáo sẽ kêu ve ve. Bây giờ nghe thì buồn cười, nhưng trước thì vui lắm. Diều muốn "cõng" được sáo phải diều to, dây chắc. Gọt diều sáo không khó, nhưng muốn hay thì phải qua nhiều lần thử nghiệm. Chính vì khó cho nên dễ sinh mê".

Cũng theo chia sẻ của ông, cánh diều truyền thống ở thôn Đàn Viên có hai loại, diều lá đa là loại lớn, diều lá muỗm loại nhỏ hơn. Sau này, người ta chế tạo thêm diều có đuôi, đẹp nhất là loại đuôi én, với hai cánh đuôi xòe ra duyên dáng. Những loại diều hình thù cầu kỳ sẽ ảnh hưởng đến đón gió của cây sáo. Khó nhất vẫn là làm sáo diều. 

Để đánh giá một con diều sáo tốt, những người am hiểu diều sáo như nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền thường đánh giá chất lượng qua màu sắc của cánh điều, âm thanh của tiếng sáo và mức độ “đứng” lâu trên không trung của diều. Tiếng sáo vừa phải trong trẻo, du dương, tưởng như vang vọng cả trên trời, dưới đất, vừa hài hòa thanh âm giữa các sáo trong cùng một bộ. Làm diều sáo rất công phu, mà công phu nhất chính là làm sao chỉnh âm được tiếng sáo cho đều, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền nhiều cụ cao niên thời xưa làm diều sáo rất nhiều, nhưng để có được một diều sáo ưng ý có thể cả đời chỉ làm được vài ba cái.

Cùng với diều sáo, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền còn được biết tới là người có đam mê với đèn kéo quân - là một loại đồ chơi dân gian xa xưa truyền lại. Xưa kia đèn kéo quân là một món đồ chơi "hạng sang" với trẻ em, nhất là vào dịp Trung thu.

Theo dòng chảy của thời gian, những người làm nghề như ông Quyền luôn trăn trở tìm cách cải tiến mẫu mã, cách thức chơi đèn kéo quân, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Bên cạnh những hình ảnh mang đậm chất dân gian thường sử dụng làm quân đèn như chị Hằng, chú Cuội, kéo co, đấu vật... ông Quyền còn kết hợp thêm hình ảnh của tranh Đông Hồ, mang đến một sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại cho chiếc đèn kéo quân.

Theo dòng chảy của thời gian, những người làm nghề như ông Quyền luôn trăn trở tìm cách cải tiến mẫu mã, cách thức chơi đèn kéo quân, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống

"Đèn kéo quân Việt Nam dùng tre và các nguyên liệu dễ kiếm ở nông thôn để làm. Cảnh quân chạy các cụ ngày xưa hay dùng sỹ, nông, công, thương; có chỗ dùng tứ linh: long, ly, quy, phượng. Hình các quân chạy lấy theo phong tục của người dân Việt Nam để đưa vào trong đèn. Trước kia thắp bằng dầu lạc, bây giờ thì dùng nến và dầu hỏa, một số người cải tiến cho chạy bằng điện thế nhưng chạy điện thì không được đẹp và lung linh bằng dùng nến” - ông Quyền cho biết. 

Đặc biệt, bằng tâm huyết với nghề, ông Quyền vẫn thường xuyên xuất hiện ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hoặc Trung tâm triển lãm Vân Hồ để hướng dẫn cho những bạn trẻ muốn tìm hiểu nguồn gốc và cách làm đèn kéo quân mỗi dịp Trung thu. Ông mong rằng có thể truyền đạt những hiểu biết của mình cho những ai quan tâm và có ý thức giữ gìn văn hóa dân gian. “Thêm một người biết là thêm một cơ hội để lưu giữ một nét văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau”.

Những ngày cận kề Tết Trung thu, ngôi nhà nhỏ của ông Quyền lại ngập tràn những chiếc đèn kéo quân lớn nhỏ rực rỡ nhiều màu sắc. Có lẽ, niềm vui của ông đã được nhân lên khi thời gian gần đây số lượng người tìm đến đặt mua đèn đông hơn. Đây là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của ông vì người dân Việt Nam không quay lưng lại với đồ chơi dân gian truyền thống, cũng là động lực để ông tiếp tục gìn giữ và truyền lại niềm đam mê làm đèn kéo quân cho con trẻ.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu