22:14 ngày 03/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Ngành nông nghiệp phấn đấu hoàn thành mục tiêu 54 tỷ USD

14:46 31/07/2023

(THPL) - Trong bối cảnh nhiều sản phẩm nông sản chủ lực đang gặp khó khăn về thị trường, ngành nông nghiệp dự kiến vẫn sẽ cán đích mục tiêu 54 tỷ USD trong năm 2023.

Vừa qua, tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh” diễn ra tại TP.HCM, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, khi nền kinh tế gặp khó khăn thách thức nông nghiệp thể hiện vai trò là “bệ đỡ”.

Trong bối cảnh khó khăn chung, 6 tháng đầu năm cả nền kinh tế tăng trưởng 3,72%, công nghiệp tăng 1,23% thì nông nghiệp tăng trưởng 3,07%. Hết bảy tháng đầu năm tất cả các tiêu chí của ngành nông nghiệp đều đạt.

Đơn cử như sản xuất lúa gạo đạt 24,14 triệu tấn, cả năm nay chắc chắn đạt trên 43 triệu tấn, trong đó hơn 14 triệu tấn phục vụ cho 98 triệu dân; chế biến tám triệu tấn; dự trữ 3,3 triệu tấn, chăn nuôi 3,4 triệu tấn, làm giống một triệu tấn. Riêng gạo xuất khẩu 13,7-13,8 triệu tấn. Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo, giá trị 3,49 tỷ USD.

Về chăn nuôi, tổng đàn heo, đàn gia cầm, đàn bò đều tăng. Sản lượng thịt heo từ đầu năm năm đạt 3,23 triệu tấn, tăng 5,4%, thủy sản đạt 5,1 triệu tấn tăng gần 2%.... "Tất cả các ngành trong nông nghiệp đều tăng trưởng, đây chính là bệ đỡ cho nền kinh tế" - ông Tiến nói.

Trong 7 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, tăng 3,4%, đặc biệt thặng dư 5,88 tỷ USD. Riêng rau quả đạt 3,23 tỷ USD tăng 68,1%, cà phê đạt 2,76 tỷ USD, tăng 6%, dự báo năm nay đạt 5 tỷ USD.

“Năm nay xuất khẩu thủy sản và gỗ giảm nhưng với đà tăng trưởng này chúng ta sẽ về đích 54 tỷ USD, đúng theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao” - ông Tiến nói.

Ngành nông nghiệp phấn đấu hoàn thành mục tiêu 54 tỷ USD. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhờ tận dụng tốt cơ hội cũng như các chính sách hỗ trợ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc nửa đầu năm tăng trưởng khá (7,7%), đặc biệt là xuất khẩu gạo và rau quả có sự gia tăng đột biến với mức tương ứng là 34,7% và 64,2%.

"Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ khi một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn đóng vai trò làm lực kéo. Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm" - ông Tiệp cho hay.

Nhận định về cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tiêu dùng của người dân tại thị trường Hoa Kỳ đã phục hồi nhưng còn chậm, trong tháng 5/2023, Hoa Kỳ đã trở lại là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, điều đó mở ra những tín hiệu tốt cho nông thủy sản xuất khẩu sang thị trường này. Đáng chú ý, các nhóm hàng chiếm thị phần xuất khẩu lớn như gỗ và thủy sản có thể "đảo chiều" tăng nhẹ vào cuối năm.

Mặc dù bức tranh xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm 2023 có nhiều ảm đạm, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,5 tỷ USD, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại.

Để xuất khẩu rau quả thêm thuận lợi, Bộ NN&PTNT cho biết đang đẩy mạnh cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn.

Tú Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu