22:00 ngày 09/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Mỗi tuần có khoảng 60 nghìn con gà đẻ thải loại nhập khẩu vào Việt Nam

21:11 03/04/2024

(THPL) - Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, mỗi tuần, có khoảng 60.000 con gà đẻ loại thải được nhập khẩu từ biên giới Việt - Lào về Việt Nam, tương đương khoảng 240 tấn. Như vậy, một tháng, có hơn 700 tấn gà đẻ loại thải nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có nhiều gà có nguồn gốc từ Thái Lan.

Từ đầu năm đến nay, thị trường chăn nuôi ổn định, không phập phù như năm 2023 nên người chăn nuôi heo, gà rất phấn khởi. Tuy nhiên, “giá gà vừa lên thì gà thải loại lại tìm cách vào Việt Nam”, gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.

Liên quan đến thông tin trên, tại cuộc họp giao ban khối chăn nuôi quý I của Bộ NN&PTNT diễn ra vừa qua, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cho biết, tình trạng nhập gà lậu, đặc biệt là gà đẻ loại thải ở biên giới phía Nam vẫn đang diễn ra. “Ước tính hiện nay, mỗi tuần chúng ta nhập lậu khoảng 60.000 con gà đẻ thải loại từ biên giới Việt - Lào, tương đương 240 tấn/tuần, trong đó, nhiều gà có nguồn gốc Thái Lan” - ông Sơn thông tin.

Vẫn theo ông Sơn, qua phản ánh, có một số doanh nghiệp được nhập khẩu chính thức đã trà trộn gà loại thải từ Thái Lan vào các xe hàng qua biên giới, trong đó có cửa khẩu Cha Lo. Ông đề nghị cơ quan chức năng cần kiểm tra thông tin này; đồng thời cần kiểm soát chặt việc nhập khẩu gia cầm để bảo đảm sản xuất trong nước.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính chung trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của cả nước ước đạt 113 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 38,2 triệu USD; sữa và sản phẩm sữa là 36,8 triệu USD.

Mỗi tuần có khoảng 60 nghìn con gà đẻ thải loại nhập khẩu vào nước ta. Ảnh minh hoạ

Cũng trong quý I, cả nước nhập khoảng 702 triệu USD sản phẩm chăn nuôi; trong đó, thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 336 triệu USD, sữa và sản phẩm sữa là 236 triệu USD. Tổng số gia cầm tăng 2,1%; sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 593,8 nghìn tấn, tăng 5,1%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5 tỷ quả, tăng 4,8%. 

Qua những số liệu trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: “Chúng ta không thiếu thực phẩm, sản xuất trong nước đã đủ. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi tăng trưởng từ 3 - 5%, trong khi đó dân số không tăng thì thực phẩm không sợ thiếu”.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng đây là những nút thắt cần tháo gỡ về cả trước mắt và lâu dài. Nếu không Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Liên quan đến ngăn chặn hàng nhập lậu, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, thực tế thời gian qua, chúng ta đã làm chặt một số quy định liên quan đến nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Đơn cử như năm 2023 Cục đã ban hành 145 văn bản gửi 58 quốc gia liên quan đến việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam, yêu cầu rà soát một cách toàn diện tất cả những hàng nhạy cảm, phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm tiếp tục ban hành 120 văn bản gửi 50 quốc gia.

Cục Thú y cũng trình Bộ trưởng ký các quyết định thanh tra. Dự kiến năm nay hàng chục doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật sẽ bị thanh tra. “Tuy nhiên, việc chúng ta làm chặt như vậy cũng dẫn đến phản ứng của các nước. Các nước đã phản ứng rằng tại sao Việt Nam đã tham gia WTO, ký kết 19 FTA… giờ tại sao Việt Nam lại làm khác và yêu cầu giải trình” - ông Long chia sẻ.

Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho rằng, đây không phải là việc riêng của ngành nông nghiệp mà cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và các địa phương. Theo đó, cần bảo đảm thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng; cùng với đó, cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó cho phép định kỳ, đột xuất đi thanh tra, kiểm tra; bổ sung chỉ tiêu an toàn thực phẩm vào sản phẩm nhập khẩu. Về phía Bộ Tài chính, cần xem xét bổ sung nguồn chi cho công tác giám sát an toàn thực phẩm, vì hiện kinh phí quá ít, chỉ như muối bỏ biển.

Ông Long cho biết thêm, theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào, đối với vật nuôi được sản xuất bởi cư dân tại các huyện biên giới của Lào (được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của Lào) được miễn tất cả các loại giấy phép, miễn kiểm dịch y tế, động vật khi vào Việt Nam. Quy định này có nguy cơ tạo kẽ hở và cần được sửa đổi để bảo đảm an toàn đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ Lào về Việt Nam.

Trong diễn biến liên quan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo, công tác chống buôn lậu sản phẩm chăn nuôi là việc làm thường xuyên, liên tục. Ông yêu cầu phải rà soát lại nhập khẩu; siết chặt hệ thống thú y; tăng cường công tác phối hợp với các bên, trong đó có các hiệp hội doanh nghiệp để trên cơ sở đó giải quyết các kiến nghị kịp thời, phù hợp.

Tú Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu