03:20 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Heo nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam dịp cận Tết, doanh nghiệp khó càng thêm khó

Tuấn Minh (t/h) | 11:05 30/01/2024

(THPL) - Những ngày cận Tết Nguyên đán cũng là dịp mà các hộ kinh doanh nuôi lợn đang chuẩn bị xuất bán lứa cuối cùng của năm để mong thu hồi được vốn. Tuy nhiên, trước áp lực của lượng thịt lợn đến từ nguồn nhập lậu (khoảng 6.000 - 7.000 con lợn mỗi ngày), thương lái đến thu mua đã trả giá rẻ hơn cả chi phí đầu vào, điều này khiến người dân và doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, trong 2 tuần đầu của năm 2024, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000 - 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam. Heo nhập lậu từ Campuchia tràn vào qua các cửa khẩu đã làm cho nguồn cung trong nước tăng lên. Đặc biệt là giá heo nhập lậu trên thị trường rẻ hơn nên khiến cho giá heo trong nước bị ép xuống thấp, làm người chăn nuôi thua lỗ nặng.

Cũng theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, tình trạng heo nhập lậu không chỉ gây thiệt hại đến người chăn nuôi trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì đây là nguồn heo không được kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là những ngày gần Tết, an toàn thực phẩm vẫn là câu chuyện chưa bao giờ hết nóng.

Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, gia đình ông Thuấn (tỉnh Đồng Nai) đã đầu tư 1,1 tỷ đồng để nuôi 300 con heo. Theo tính toán, giá thành sản xuất đã là 50.000 đồng/kg, do đó, khi xuất chuồng, người chăn nuôi phải bán từ 51.000 - 60.000 đồng/kg mới có lãi. Tuy nhiên, ông Thuấn rất bất ngờ khi đơn vị thu mua chỉ mua với giá 49.000 đồng/kg, dưới giá thành sản xuất.

"Cái giá này hiện tại là đang lỗ 300.000 đồng/con heo. Vì heo đến lứa không thể nuôi lớn hơn được nên tôi chấp nhận phải bán" - ông Thuấn chia sẻ.

Giá heo trong nước bị giá heo nhập lậu ép xuống thấp, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Ảnh minh hoạ

Thời gian gần đây, chỉ cần gõ cụm từ thịt heo, gà hoặc bò nhập khẩu trên Google hay mạng xã hội Facebook, người dùng có thể thấy tràn ngập các website, bài đăng rao bán thịt heo, bò, gà, trâu được quảng cáo là hàng nhập từ Úc, Mỹ, Canada, Nhật... với mức giá rẻ bất ngờ.

Đơn cử như bắp bò được rao bán với giá 120.000 đồng/kg, thậm chí có người rao bán thịt bò với giá chỉ 70.000 - 80.000 đồng/kg, chỉ bằng 30 - 40% mức giá thông thường ở chợ.

Trong năm 2023, theo thống kê của thanh tra ngành nông nghiệp, lực lượng chức năng đã bắt 131 vụ, thu giữ khoảng 160.000 con gia súc, gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên, ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng số lượng thịt nhập lậu trong thực tế có thể lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, heo sống nhập lậu "ồ ạt" về Việt Nam.

Tại cuộc họp liên quan đến câu chuyện thịt nhập lậu gia súc và gia cầm, do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, đại diện Tập đoàn Dabaco - "đại gia" chăn nuôi tại miền Bắc - cho biết chăn nuôi trong nước không những gặp khó do giá bán thấp mà còn phải xoay xở để cạnh tranh với thịt ngoại.

Để chống chọi với dịch bệnh, doanh nghiệp này đã tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn, khép kín, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để có giá thành sản xuất thấp nhất. "Nhưng giá bán vẫn dưới giá thành sản xuất, một phần do thịt nhập khẩu chính ngạch về nhiều, nhưng vấn đề lớn hơn là tình trạng thịt nhập lậu quá nhiều", vị này chia sẻ.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu