22:41 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hasbro bán eOne cho Lionsgate, giữ lại quyền sở hữu Peppa Pig

Tú Chi | 14:43 18/01/2024

(THPL) - Entertainment One UK LTD (gọi tắt là eOne hoặc EO) - cha đẻ của “cô lợn” Peppa Pig đã không còn quyền sở hữu đối với bộ nhân vật này từ ngày 01/09/2023 do công ty mẹ của eOne là Hasbro đã bán doanh nghiệp này cho Lionsgate, song Hasbro lại không chuyển nhượng Peppa Pig và nhiều bộ nhân vật nổi tiếng khác.

Peppa Pig hiện đang là đối tượng trong vụ tranh chấp bản quyền với Wolfoo (thuộc quyền sở hữu của Sconnect Việt Nam). Hai bên đã và đang khởi kiện lẫn nhau ra tòa án tại các quốc gia: Nga, Anh và Việt Nam. Vụ kiện tại Liên bang Nga đã kết thúc và tòa án Moscow đã không tuyên Sconnect vi phạm bản quyền. Hiện nay Tòa án ở Anh và Việt Nam đang thụ lý vụ kiện.

Tuy nhiên, vụ kiện tại các tòa án ở Anh và Việt Nam sẽ có diễn biến mới sau khi eOne không còn quyền sở hữu với Peppa Pig. Theo Sconnect, sau khi đã mất quyền sở hữu Peppa Pig nhưng eOne vẫn tiếp tục đánh bản quyền Wolfoo trên YouTube với cáo buộc Wolfoo vi phạm bản quyền về Peppa Pig của eOneSconnect đã nhanh chóng tiến hành yêu cầu làm rõ các thông tin này để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình tại các tòa án.

Chủ sở hữu Wolfoo đã thực hiện đăng ký quyền tác giả kịch bản, bộ nhân vật, hình ảnh nghệ thuật tại Hoa Kỳ, Việt Nam và một số quốc gia khác. Ảnh: Sconnect

eOne không còn liên quan tới “cô lợn” Peppa Pig từ 01/09/2023

Theo nguồn tin từ Variety.com, Nasdaq.com, Tập đoàn Hasbro (công ty mẹ của eOne) ngày 27/12/2023 ra thông báo về việc Tập đoàn này đã hoàn tất thương vụ bán mảng kinh doanh phim và truyền hình (cụ thể là eOne) cho Lionsgate với giá 375 triệu USD, cùng với thỏa thuận khác về điều chỉnh giá bán và một số khoản vay tài trợ.

Trước đó vào tháng 8/2023, Lionsgate đã đạt được thỏa thuận mua bán liên quan tới mảng sản xuất phim và truyền hình của eOne từ Hasbro với giá 500 triệu USD. Vào tháng 8/2019, Hasbro đã mua lại và sở hữu eOne trong một thương vụ trị giá 3,8 tỷ USD.

Nguồn tin trên cũng cho biết, những bộ nhân vật (IP) phổ biến không nằm trong danh sách bán cho Lionsgate bao gồm “Peppa Pig”, “Transformers”, “Dungeons & Dragons”, “Magic: The Gathering”, “My Little Pony”, “Power Rangers”, “Play-Doh” và “Clue .” Với thỏa thuận chuyển nhượng này, bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig sẽ không thuộc quyền sở hữu của eOne khi thương vụ mua bán được hoàn tất, mà các bộ nhân vật trong đó có Peppa Pig thuộc quyền sở hữu của Haspro.

Đầu tháng 12/2023, Lionsgate đã cắt giảm 10% nhân sự của eOne để chuẩn bị cho việc sáp nhập. Trước đó vào tháng 6/2023, Hasbro cắt giảm 20% nhân viên của eOne, cũng nằm trong kế hoạch bán lại cho Lionsgate.

Trên trang https://www.sec.gov/ công bố công khai thỏa thuận chuyển nhượng giữa Hasbo và Lionsgate. Theo Báo cáo tài chính của eOne và thông tin thay đổi chủ sở hữu nhãn hiệu Peppa Pig tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UKIPO) thì Hasbro đã thực hiện chuyển nhượng eOne và có hiệu lực từ 1/9/2023. Điều đó có nghĩa là từ ngày 01/09/2023, eOne không còn tư cách chủ sở hữu đối với bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig và các nhãn hiệu liên quan khác.

Bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo được nghiên cứu, phát triển theo hướng hệ sinh thái đa sản phẩm giáo dục và giải trí cho trẻ nhỏ. Ảnh: Sconnect

eOne vẫn tiếp tục đánh gậy Wolfoo trên YouTube sau phi vụ chuyển nhượng

eOne và Sconnect đang theo đuổi vụ kiện tranh chấp bản quyền tại Tòa án Kinh doanh và Tài sản của Anh và xứ Wales từ đầu năm 2022 tới nay. Theo đó, ngày 24/01/2022, eOne nộp đơn khởi kiện cáo buộc Sconnect về các hành vi, trong 91 video phim hoạt hình Wolfoo, gồm: (1) Vi phạm bản quyền “Audio Clips” (đoạn âm thanh);  (2) Sử dụng hình ảnh và tiêu đề Peppa Pig; (3) Vi phạm bản quyền Hình nền; (4) Vi phạm nhãn hiệu (5) Cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện nay Tòa án tại Anh đang trong quá trình thụ lý vụ kiện và chưa có bất cứ phán quyết nào kết luận rằng Wolfoo vi phạm bản quyền. Tuy nhiên hơn 2 năm qua eOne đã liên tục đánh bản quyền các video Wolfoo dẫn tới YouTube đã xóa 3.500 video Wolfoo vô căn cứ. Hơn 30 kênh Wolfoo đã bị khóa quyền upload trong một thời gian dài dẫn tới Sconnect bị thiệt hại ước tính lên tới hơn 10 triệu USD. Sau khi Sconnect thực hiện quyền khiếu nại hành chính tới các cơ quan nhà nước của Việt Nam, đồng thời khởi kiện eOne ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trong 2 vụ kiện, thì YouTube đã mở khóa các kênh Wolfoo. Tuy nhiên hơn 3.500 video Wolfoo bị YouTube xóa trước đó (theo yêu cầu từ phía eOne) thì không khôi phục lại được.

Theo nguồn tin từ Sconnect, trong suốt quá trình tham gia giải quyết vụ tranh chấp toàn cầu với eOne, mặc dù Sconnect đã nhiều lần yêu cầu cung cấp căn cứ chứng minh eOne là chủ sở hữu của bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig, cung cấp  tác phẩm gốc của âm thanh/hình ảnh bị xâm hại để làm căn cứ cáo buộc âm thanh/hình ảnh của Sconnect vi phạm. Song tới thời điểm hiện tại eOne cũng chưa cung cấp được các sở cứ để chứng minh quyền sở hữu của họ.

Thêm vào đó, mặc dù eOne không còn liên quan tới bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig kể từ ngày 01/09/2023, song trong các tháng 9-10-11-12 năm 2023 và tháng 01 năm 2024, eOne vẫn lạm dụng để đánh bản quyền các video Wolfoo 2D của Sconnect trên nền tảng YouTube. Ngoài ra, eOne cũng đánh gậy bản quyền sản phẩm video Wolfoo 3D của Sconnect dù các sản phẩm hoạt hình 3D không là đối tượng của vụ tranh chấp tại Tòa án ở Anh.

Ngày 10/11/2023 và 15/12/2023, eOne tiếp tục gửi thư để phản đối tới Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO) để phản đối việc đăng ký nhãn hiệu Wolfoo của Sconnect tại EU, mặc dù eOne đã không còn quyền sở hữu nhãn hiệu Peppa Pig từ 01/09/2023.

“Với các động thái kể trên hành vi vi phạm bản quyền Wolfoo của eOne rất rõ ràng. Chúng tôi đã tổng hợp tài liệu và chứng cứ về vấn đề này để nộp lên Tòa án, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia và các cơ quan nhà nước của Việt Nam để làm rõ và yêu cầu xử lý các hành vi lạm dụng và cạnh tranh không lành mạnh của eOne.”, đại diện Sconnect Việt Nam cho biết.

Tú Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu