02:46 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gỗ Việt và bài toán thay đổi chính sách của thị trường xuất khẩu

Tuấn Minh (T/h) | 18:01 27/11/2023

(THPL) - Hiện nay, bên cạnh những khó khăn từ nhu cầu tiêu dùng, bất ổn địa chính trị, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam còn đối diện với những thay đổi về chính sách từ các thị trường xuất khẩu chính.

Hiện nay, lạm phát, lãi suất đứng ở mức cao đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc là nguyên nhân chính tác động đến hoạt động xuất khẩu gỗ. Cạnh đó, những bất ổn chính trị tại Đông Âu và Trung Đông sẽ tiếp tục là những yếu tố chính tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.

Đáng chú ý, bên cạnh những khó khăn do các yếu tố cầu tiêu dùng, những bất ổn địa chính trị, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ còn đối diện với những khó khăn từ sự thay đổi về chính sách từ thị trường xuất khẩu chính.

Dưới đây là một số chính sách từ các thị trường nhập khẩu gỗ chính:

EU sẽ chính thức áp dụng Quy định chống mất rừng (EUDR) vào tháng 12/2024, đây sẽ là vấn đề tác động rất lớn đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tương lai. Với quy định này, việc chuẩn bị hồ sơ giải trình sẽ tạo ra nhiều thủ tục cho doanh nghiệp. Các mặt hàng phải thực hiện trách nhiệm giải trình gồm gia súc, ca cao, cà phê, cọ và dầu cọ, cao su, đỗ tương/đậu nành và gỗ.

Ngoài ra, EU cũng đưa ra quy định về giới hạn mới về formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng. Ủy ban châu Âu đã thông qua các biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn khỏi nguy cơ mắc bệnh ung thư bằng cách đưa ra giới hạn phát thải tối đa đối với chất gây ung thư formaldehyde trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng.

Liên quan đến chính sách này, TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam cho biết, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT, cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp và không gây mất rừng. Hiện Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS để kiểm soát toàn bộ chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung nội địa và xuất khẩu. Do đó, theo TS Tô Xuân Phúc, ít có khả năng Việt Nam bị EU xếp loại rủi ro mất rừng cao nếu cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh điều này.

Gỗ Việt và bài toán thay đổi chính sách của thị trường xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Hoa Kỳ cũng đang gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ. Đồng thời Hoa Kỳ cũng vừa đưa ra yêu cầu về việc tuân thủ quy định về lao động và sử dụng lao động.

Nhật Bản đưa ra yêu cầu các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững.

Tại Đức, hiện thị trường này đang áp dụng Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Các nhà nhập khẩu phía Đức yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải, các chứng chỉ amfori BSCI, SA 8000, SMETA, FSC...

Tại thị trường Canada có xu hướng đặt ra nhiều quy định về môi trường trong chiến lược thiết kế sản phẩm, sản xuất và thị trường. Mới đây, Chính phủ Canada đã công bố Tài liệu khung về quy định đối với việc ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa và trách nhiệm báo cáo Cơ quan liên bang về vấn đề sản phẩm nhựa, điều này sẽ có một số tác động đối với hầu hết các nhóm hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, từ bao bì hàng tiêu dùng, cho đến các lĩnh vực xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.

Cũng liên quan đến các chính sách trên, TS Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, khi đã tham gia sân chơi thương mại quốc tế cần phải biết và tuân thủ các quy định của các nước thành viên, để không bị phạm. Mỗi nước đều có những quy định khác nhau, không nước nào giống nước nào. Khi muốn xuất khẩu vào thị trường nào thì phải tuân thủ các quy định của thị trường đó.

Cần xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi ro khi xuất khẩu nông sản. Vì khi hàng hóa của một doanh nghiệp vi phạm quy định của nước nhập khẩu thì không chỉ doanh nghiệp đó bị thiệt hại mà các doanh nghiệp cùng ngành hàng cũng bị ảnh hưởng. Khi đó, nước nhập khẩu sẽ tăng tần suất kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, việc này ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 10/2023 tăng mạnh trở lại, đạt 1,282 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước đó và tăng 15,1% so với tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 10,91 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022; đứng thứ 6 về trị giá trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kỷ lục gần 17 tỷ USD, nên đầu năm 2023, Chính phủ giao chỉ tiêu cho toàn ngành: xuất khẩu gỗ và lâm sản trên 17 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD. Tuy nhiên, với kết quả 10 tháng năm 2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự tính kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm 2023 sẽ chỉ đạt 15 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt khoảng 13,6 tỷ USD đến 14 tỷ USD.

Tuấn Minh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu