00:25 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gian lận thương mại gia tăng, doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng

Tuấn Minh (T/h) | 15:10 05/08/2024

(THPL) - Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm đối tác, kết nối với nhau qua internet rất thuận tiện và có hiệu quả. Tuy nhiên, để tránh lừa đảo các doanh nghiệp cần phải xác minh kỹ thông tin trước khi giao dịch.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ nhấn mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải lưu ý trong giao dịch mua bán hàng hóa. Trong bối cảnh hiện nay liên tục xảy ra tình trạng lừa đảo mạo danh. "Thời gian qua, Vụ Thị trường Âu Mỹ phải giải quyết rất nhiều vụ việc khiếu nại của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường nghe rất uy tín. Nhưng khi kiểm tra ra thì phát hiện đó là các đối tượng lừa đảo của các nước khác như Trung Đông, Châu Phi.

Các đối tượng lợi dụng tâm lý châu Âu, châu Mỹ là có những nước phát triển nên họ đã lập những website giả trong đó giả văn phòng đại diện, trụ sở công ty ở châu Âu, châu Mỹ để doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng, hoặc các biên. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải rất thận trọng tìm hiểu kỹ đối tác trước khi kí kết hoặc thực hiện các hợp đồng mua bán”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chia sẻ. 

Còn theo ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) lưu ý, hiện nay doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối với nhau qua internet rất thuận tiện và có hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi có kết nối bước đầu qua internet, doanh nghiệp cần phải xác minh. “Doanh nghiệp có thể thông qua mạng xã hội kết nối với khách hàng, nhưng qua những thông tin đó, chúng ta cần phải xác minh. Về thực lực tài chính phức tạp thì còn phải có thời gian, nhưng ít nhất phải xác minh doanh nghiệp đó phải tồn tại, đang hoạt động bình thường”, ông Nông Đức Lại nói.

Gian lận thương mại quốc tế gia tăng, doanh nghiệp xuất khẩu cần thận trọng. Ảnh minh hoạ

Tương tự, bà Quyền Thị Thúy Hà - Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng nhận được sự phản ánh về một số vụ việc liên quan đến việc lợi dụng thông tin của doanh nghiệp Nhật Bản để lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam trong các giao dịch. “Vì vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn tìm hiểu, đi đến hợp tác với một đối tác, doanh nghiệp nào tại Nhật Bản thì cần có sự xác minh ban đầu cũng như tìm hiểu kỹ người đại diện làm đầu mối thông tin trao đổi tại Nhật Bản tránh bị lừa đảo”, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) khuyến cáo.

Trước những thông tin trên, ông Dương Hoàng Minh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga cho biết, trong những năm gần đây một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị các đối tượng thông qua internet chào hàng với giá rẻ để lừa đảo. Doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ thông tin đã ký hợp đồng nhập khẩu với các điều khoản lỏng lẻo, trong đó có “đặt cọc trước”. Sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc thì đối tác ngắt liên lạc hoặc yêu cầu chuyển thêm tiền rồi ngắt liên lạc.

“Hợp đồng cần được các bên trao đổi và có sự ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, tránh các trường hợp lừa đảo hoặc chậm thanh toán. Đặc biệt, chú trọng đến các vấn đề giao hàng - thanh toán để đảm bảo tránh rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng”, ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá, trước đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) dự báo, 6 tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại cũng đối diện với không ít thách thức. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn.

Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.

Tuấn Minh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu