17:28 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gia Lai: Người dân bức xúc vì đường hỏng be bét vẫn thu phí

Hàn Hưng | 15:28 27/08/2020

(THPL) - Tuyến quốc lộ 14 từ Pleiku (km 1610)- Cầu110 (km 1657+570) do Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Gia Lai (trực thuộc Tập đoàn Đức Long Gia Lai) quản lý, khai thác dài khoảng 60km nhưng có nhiều điểm bị hư hỏng nghiêm trọng, rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Tuyến đường hư hỏng be bét nhưng đơn vị này vẫn thu phí đều đặn.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) từ Pleiku (km 1610)- Cầu110 (km 1657+570) theo hình thức hợp đồng BOT do Tập đoàn Đức Long Gia Lai là nhà đầu tư, Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp được giao vận hành dự án. Được biết, tuyến đường này được khởi công thi công từ năm 2013 đến năm 2015 thì hoàn thành, đưa vào sử dụng và khai thác.

Theo đó, Dự án BOT Gia Lai có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng với chiều dài khoảng 60km, được BIDV Gia Lai tài trợ vốn với tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu là 85/15.

Đoạn ngoài đô thị của tuyến đường thi công theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với tốc độ thiết kế đạt 80 km/giờ, bề rộng nền đường 12 mét, mặt đường 11 mét. Đoạn qua đô thị theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế là 60 km/giờ, bề rộng nền đường là 23,5 mét.

Đoạn đường bị lún và tạo thành “sóng trâu” (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, thời gian qua, trên tuyến đường này thường xuyên xảy ra hư hỏng cục bộ và hết sức nghiêm trọng, điều này đe dọa sự an toàn của các phương tiện khi tham gia giao thông qua tuyến đường này.

Sáng 25/8, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã đi “mục sở thị” trên toàn tuyến đường này. Theo ghi nhận, tại km 1666, đoạn qua thôn 6, xã IaLe, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) có rất nhiều điểm nền đường có dấu hiệu bong tróc nặng, lớp nhựa mặt đường dồn lại thành đống lớn ngay sát lề đường, nếu các phương tiện xe máy, xe đạp đi qua nếu không chú ý rất dễ bị trơn trượt và xảy ra tai nạn.

Tại nhiều điểm gần đó, chúng tôi còn ghi nhận mặt đường bị lún và tạo thành “sóng trâu” cả 10 cm, nhiều phương tiện đi qua phải né ra giữa lòng đường.

Tiếp tục đi thực địa, phóng viên còn ghi nhận tình trạng hư hỏng nặng tại km 1659, đoạn qua thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh và km 1626, đoạn qua huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai).

Nhiều người dân sống tại huyện Chư Pưh, cho biết: “rất nhiều điểm tại đây bị hư hỏng rất nghiêm trọng, mặt đường bong tróc, tạo thành những ổ gà, ổ voi, cũng có nhiều vụ tai nạn giao thông do bị trợt ngã khi đi qua lớp nhựa dồn bên lề đường. Tuy nhiên không thấy đơn vị quản lý đường là Tập đoàn Đức Long Gia Lai sửa chữa, khắc phục”.

Anh Phương (lái xe dịch vụ, trú tại Gia Lai), bức xúc: “Mặc dù trên tuyến đường bị hư hỏng nghiêm trọng và không được đơn vị quản lý tuyến đường sửa chữa, nhưng chúng tôi lưu thông qua đây đều phải mua vé và đóng phí đầy đủ. Đường thì bị hư hỏng bé bét mà phí thì không tha một nghìn nào, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.

Mặc dù tuyến đường bị hư hỏng nghiêm trọng nhưng Công ty Cổ phần BOT và BT Đức Long Gia Lai (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) vẫn thu phí đều đặn (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Theo quan sát của phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, mặc dù Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) từ Pleiku (km 1610)- Cầu110 (km 1657+570) do Tập đoàn Đức Long Gia Lai là nhà đầu tư, với chiều dài khoảng 60km nhưng có đến 2 Trạm thu phí. Trạm thu phí đầu tiên được đặt tại Hàm Rồng (thuộc km 1610), Trạm thu phí thứ 2 được đặt tại Cầu 110 (thuộc km 1657+570).

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải đối với mức phí sử dụng đường bộ Trạm thu phí tại km 1610+800 và trạm thu phí tại km 1667+470 đường Hồ Chí Minh (tỉnh Gia Lai).

Cụ thể: Xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng có mức giá 35.000 đồng (vé lượt), 1.050.000 đồng (vé tháng) và 2.835.000 đồng (vé quý); Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức giá 50.000 đồng (vé lượt), 1.500.000 đồng (vé tháng) và 4.050.000 đồng (vé quý); Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn có mức giá 75.000 đồng (vé lượt), 2.250.000 đồng (vé tháng) và 6.075.000 đồng (vé quý); Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 fit có mức giá 140.000 (vé lượt), 4.200.000 đồng (vé tháng) và 11.340.000 đồng (vé quý); Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit có mức giá 200.000 (vé lượt), 6.000.000 đồng (vé tháng) và 16.200.000 đồng (vé quý).

Hình ảnh mà phóng viên Thương hiệu và Pháp luật ghi nhận:

Nhiều điểm chắp vá cẩu thả, sơ sài (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Một số điểm bị hư hỏng cục bộ (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Lớp nhựa mặt đường dồn thành đống lớn bên lề đường (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Mặc dù hư hỏng nghiêm trọng nhưng đơn vị quản lý, khai thác vẫn không sửa chữa (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

 

Hàn Hưng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu