06:56 ngày 24/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Gã si tình một đời say đào Thất Thốn

13:13 11/02/2021

(THPL) - Người nói ông si tình, kẻ nói ông gàn dở bởi ngoài 60 tuổi mà ông vẫn hằng ngày lụi cụi ngoài vườn để chăm bẵm hơn một trăm gốc đào Thất Thốn. Người đàn ông yêu thương, nâng niu và trân trọng những gốc đào ấy là nghệ nhân Lê Hàm, người được mệnh danh là: “Vua đào” làng Nhật Tân.

Trồng đào là nghề “đánh bạc” với trời

Tết qua đi, đào bích, đào phai, đào rừng dần héo úa cũng là lúc đào Thất Thốt thể hiện nét riêng biệt, khoe sắc khoe hương những ngày khóa xuân. Chẳng ai biết đào Thất Thốn có từ bao giờ, gốc tích ra sao, chỉ biết loại đào này đã tô thắm đất trời mỗi dịp Tết đến, xuân về. Góp phần làm nên một mùa xuân trường tồn của đất nước.

Đào đặc biệt, ắt hẳn người trồng, người chơi cũng đặc biệt không kém. Ở làng Nhật Tân (nay là phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. HN), nơi được gọi là thủ phủ hoa đào có một người đàn ông tâm huyết, dành trọn cuộc đời để nghiên cứu giống đào “tiến vua” này. Đó là nghệ nhân Lê Hàm - gã si tình một đời say đào Thất Thốn.

Nghệ nhân Lê Hàm (SN 1963), sinh ra và lớn lên tại làng Nhật Tân, Tây Hồ. Nhà ông có truyền thống ba đời trồng đào. Từ năm 13 tuổi, ông Lê Hàm đã biết tuồn đào nhà ra ngoài bán dịp cận Tết. Thuở nhỏ, ông thường phụ giúp ông bà và các cô các dì trồng đào. Tuy nhiên, cha mẹ ông là công nhân, không theo nghiệp này. Được tiếp xúc và làm việc với các loại đào từ nhỏ nên ông Lê Hàm sớm hình thành tình yêu đặc biệt với loại cây này.

Năm 1989, ông Lê Hàm ra quân, tròn 26 tuổi, bắt đầu thực hiện ước mơ thuở nhỏ của mình. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, khó khăn chồng chất khó khăn. Ông không có đất, không có vốn, chút kiến thức cách đây cả chục năm không thể giúp ông khởi nghiệp thành công. Đầu tiên, ông Lê Hàm bắt tay với giống đào thông thường. Nhưng sau đó, vì yêu cái lạ, cái độc đáo nên nghệ nhân Lê Hàm quyết định chuyển sang trồng đào Thất Thốn.

Đào Thất Thốn màu đỏ thẫm - Ảnh: Mạnh Nghiệp

Ngày ấy, nhiều người trong làng cũng trồng thử loại đào Thất Thốn nhưng không ai thành công. Loại đào này chỉ nở rộ hoa những ngày cuối xuân, khi không ai còn thiết tha ngắm nhìn nữa. Nhìn những gốc đào bị vứt chỏng chơ cuối vườn, ông Lê Hàm không khỏi xót xa, đau đớn. Quyết tâm chinh phục loại hoa khó tính, ông đã lặn lội khắp các tỉnh miền núi như: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên... để tìm hiểu.

Nghệ nhân Lê Hàm tếu táo chia sẻ với PV Thương hiệu & Pháp luật: “Khởi nghiệp vật vã lắm đấy chứ không ngon đâu. Lúc ấy, bác phải chiến đấu sống còn để phát triển loại đào Thất Thốn này đó. Thấy ở đâu bán đào đẹp, bán đào đắt là bác tìm tới nhìn ngắm, lân la hỏi chuyện để học lỏm. Bác cứ tìm những người già nhất, có kinh nghiệm trồng lâu năm để hỏi. May mắn, chắc mình có duyên nên được nhiều bậc lão làng giúp đỡ. Chật vật sau 20 năm, đến năm 2009, bác mới tìm ra phương pháp “nịnh” đào Thất Thốn”.

“Trồng loại đào này đau đầu lắm cháu ơi! Nó thích thì nở, không thích thì thôi chứ chẳng theo quy luật nào. Đào Thất Thốn đỏng đảnh, khó chiều như phụ nữ vậy. Có năm đào nở quá sớm, có năm lại nở quá muộn, không đúng dịp Tết thì khách nào mua. Vợ bác thấy thất bại suốt, nhiều lần khuyên bỏ nghề rồi”, ông Lê Hàm cho biết thêm. Nhiều năm ròng rã bám nghề, nhiều năm trắng tay mất hết, nhiều năm khóc ròng trên ruộng đào thì cuối cùng ông trời đã không phụ lòng người, nghệ nhân Lê Hàm đã có bí quyết riêng, trở thành người trồng đào Thất Thốn đẹp nhất, thành công nhất tại Nhật Tân.

Khi nào khách ưng mới nhận tiền

Nơi trồng đào được quây lại bằng tường bao đá ong, bên ngoài có phiến đá giản dị khắc mấy dòng chữ: “Đào Thất Thốn - Lê Hàm”. Sau cánh cổng và bức tường đá ong rêu phong cổ kính là vườn đào rộng gần 2000m2, được chia thành mười ô, chuyên trồng đào Thất Thốn.

Không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa sâu xa của loại “đào tiến vua” này. Chỉ những người tận tâm trồng đào và khách sành chơi mới hiểu hết được ý nghĩa thú vị đó. “Thất” có nghĩa là mất, “thốn” nghĩa là thiếu thốn. Vậy “thất thốn” nghĩa là mất đi thiếu thốn thì sẽ tới ấm no, sum vầy, hạnh phúc. “Thất” còn được hiểu là bảy đặc điểm mà chỉ loại đào này mới có. Ba đặc điểm đầu tiên là đặc điểm chung mà mọi loại đào ở Nhật Tân: Hoa to, kiểu dáng cân đối, thân xù xì lâu năm. Nhật Tân hội tụ những cây đào xuất sắc nhất bởi ở đây có những người làm nghề giỏi nhất, khéo léo nhất và có nhiều năm kinh nghiệm.

Hoa đào Thất Thốn rất to và đẹp, có ba màu cơ bản: Màu đỏ thẫm, đỏ nhạt và hồng phai. Bên cạnh đó có bốn kiểu đặc trưng: thân đỏ hoa đỏ, thân trắng hoa đỏ nhạt, thân trắng hoa năm cánh đơn, thâm trắng hoa năm cánh kép. Tiếp theo là đến kiểu dáng của đào. Nghệ nhân Lê Hàm có thể uốn nắn điều chỉnh mọi kiểu dáng theo yêu cầu của khách cũng như đáp ứng yêu cầu trên thị trường. Có những cây cao đến 2m nhưng cũng có cây chỉ cao vài chục phân nhỏ xinh. Đào càng lâu năm thì thân càng xù xì, mốc rêu. Thường khách sẽ chơi cây có 7 năm tuổi trở lên.

Đào Thất Thốn màu hồng phai - Ảnh: Hà Chi

Ngoài ba đặc điểm chung, đào Thất Thốn mang thêm những điểm sau: Mật độ hoa dày, màu sắc sẫm, thân lật lên có màu mận chín, ra hoa từ thân, từ gốc. Hoa đào Thất Thốn có mật độ mọc dày, có thể lên tới 4 – 5 bông một mấu, màu sắc đỏ nhung rực rỡ trên nền cỏ xanh. Lật thân đào lên sẽ thấy màu đỏ mận rất đẹp. Đặc biệt, hoa đào không chỉ nở rộ ở cành mà còn nở tại thân, tại gốc. Nơi trồng đào đẹp nhất là ở làng Nhật Tân. Nhật Tân nơi đào đẹp nhất lại ở Dinh Đào. Người thợ kỹ tính, cẩn trọng như ông Lê Hàm thường phải chở đất từ Dinh Đào về vườn trồng. Đất đó ở gần Nhà hàng Sen Tây Hồ. Cũng như bưởi Diễn, như cam Cao Phong, trồng đào nhất định phải chọn đất Dinh Đào mới cho ra cây hoa cao cấp, vương giả. Vì thế, giá trị loại cây này không hề thấp.

Đào Thất Thốn đòi hỏi quy trình chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ, không được phép sai xót. Vì loại đào này có đặc tính nở muộn sau Tết nên những người trồng đào phải dùng kỹ thuật để “ép” đào ra hoa đúng mùa vụ. Tại làng Nhật Tân, chỉ duy nhất nghệ nhân Lê Hàm áp dụng khoa học kỹ thuật, điều hòa nhiệt độ để trồng đào Thất Thốn. Những ngày nắng nóng, đích thân ông ra vườn lấy nilon che bớt ánh nắng. Ngày lạnh giá, ông che chắn kết hợp với thau rửa đào vào buổi sáng để hạn chế sương muối, gió lạnh.

Nghệ nhân Lê Hàm - Ảnh: Hà Chi

Ngày bình thường, ông Lê Hàm thuê 2 – 3 nhân công chăm sóc cây, tuốt lá, phun thuốc trừ sâu, tưới nước, vun gốc... Đến những ngày giáp Tết, ông thuê tới 7 – 8 nhân công để đảm bảo công việc đánh cây, vận chuyển. Đó đều là những người nông dân hiền lành, làm việc có trách nhiệm cao. Những ngày cuối năm bận rộn, những người thợ thường ngủ rất ít, gần như thức cả ngày, sút nhiều cân và bị mất giọng. Thế mới thấy, việc gắn bó với đào Thất Thốn rất vất vả!

Nông dân tỷ phú Lê Hàm trầm ngâm chia sẻ: “Riêng chơi đào Thất Thốn nhà Lê Hàm thì cứ yên tâm. Khách chơi đến khi nào ưng, cảm thấy mĩ mãn mới trả tiền. Bác không có chuyện “mua đứt bán đoạn”, khách không hài lòng cứ mang đào đến đổi trả thoải mái. Bác đặt cái tâm, đặt uy tín lên hàng đầu. Vì vậy, bác chiều được những vị khách khó tính bậc nhất Hà thành”. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên tình hình kinh tế khó khăn. Nghệ nhân Lê Hàm dự đoán sức mua sẽ giảm sút nhiều; doanh nghiệp, cá nhân sẽ thắt chặt chi tiêu nên năm nay, ông giảm số lượng cây trồng, không phát triển nhiều như mọi năm. Nếu như năm ngoái, giá thấp nhất một cây đào Thất Thốn là 10.000.000 đồng thì năm nay còn 5.000.000 đồng. Giá đào thuê cũng giảm đi nhiều, tính tới thời điểm hiện tại rất ít khách đặt cọc trước đào thuê.

Mạnh Nghiệp - Hà Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu