15:19 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Độc đáo phong tục đón Tết của người Dao tỉnh Bắc Kạn

Hà Chi - Mạnh Nghiệp | 14:00 12/02/2021

(THPL) - Như bao dân tộc anh em khác, người Dao cũng có những phong tục độc đáo riêng để chào đón một năm mới với niềm hy vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình êm ấm. Đây cũng là dịp để họ tạm gác công việc đồng áng bộn bề, có thời gian nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình.

Trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ

Mỗi khi hoa đào, hoa mận khoe sắc điểm hương trên các triền núi cũng là lúc báo hiệu mùa xuân đã về trên bản. Dân tộc Dao thuộc tỉnh Bắc Kạn lại náo nức chuẩn bị đón cái Tết lớn nhất trong năm. Phong tục tập quán đón Tết của người Dao có những nét riêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho cộng đồng mình. Góp phần tô điểm vào bức tranh văn hóa đa dạng của các dân tộc trên địa bàn.

Nắng xuân ửng vàng, lấp ló sau những dãy núi hùng vĩ. Những khúm cây dại rung rinh trong gió như muốn reo vui với đất trời. Ruộng bậc thang hanh vàng, còn chỏng chơ những gốc rạ héo úa. Ra Tết, bà con nơi đây mới bắt tay vào trồng mùa vụ mới. Tiếng chim ca líu lo, tiếng suối chảy róc rách xa xa như khúc ca báo hiệu xuân đã về trên bản. Trên cái sào mỗi căn nhà sàn và xung quanh mỏm đá thấp thoáng những bộ quần áo dân tộc Dao sặc sỡ. Tiếng khung cửi dệt vải của các bà, các mẹ lại dập dình từng nhịp một. Không ồn ào, không náo nhiệt nhưng trong lòng ai cũng vui vẻ, hồ hởi, ngóng chờ Tết gõ cửa gọi tên.

Cô gái dân tộc Dao xinh đẹp, phúc hậu, thu hút ánh nhìn - Ảnh: Hà Chi

Chiều ngày 30 Tết, mọi người trong gia đình cùng nhau bắt tay vào việc dọn dẹp, quét tước nhà cửa. Mọi đồ vật trong nhà được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Việc quét tước nhà có ý nghĩa quét bỏ những điều không tốt của năm cũ ra ngoài để chào đón năm mới nhiều niềm may mắn, hạnh phúc hơn. Riêng phần quét dọn trên gác bếp, người Dao tuyệt đối không dùng chổi quét nhà thông thường mà sử dụng chổi tre hoặc chổi làm từ cành trúc. Họ quan niệm rằng không được làm thần lúa, thần ngô giật mình hoảng sợ, nếu không mùa màng đói kém.

Quét dọn xong, người Dao sử dụng giấy đỏ trang trí nhà cửa. Giấy được cắt thành những hình vuông, hình tròn biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đất và trời. Ngoài ra, họ còn kỳ công cắt thành những hình hoa văn đặc sắc, hình con vật ngộ nghĩnh như con chim đang bay lượn, con cá đang bơi lội. Hình ảnh con vật, cây cỏ biểu tượng cho sức mạnh của thiên nhiên để giúp đỡ tổ tiên phù hộ cho gia đình luôn mạnh khỏe, bình yên.

Người Dao sẽ dán giấy đỏ trước cửa, xung quanh nhà, phía trong gian nhà và chuồng trại trâu bò, lợn gà. Cùng với giấy đỏ, cành lộc cây mận, cây đào cũng được cắm ở các vị trí đó với hy vọng năm mới nhiều điều tốt đẹp. Tết đến, xuân về, những ngôi nhà của người Dao như được thay một tấm áo đỏ rực rỡ, xinh đẹp vậy. Cả ngôi làng bừng lên một sức sống tươi mới, mãnh liệt.

Chủ nhà sẽ bóc hết giấy dán cũ trên bàn thờ tổ tiên, dùng giấy bản dán trước rồi dùng giấy đỏ vừa cắt dán chồng lên. Hai bên bàn thờ sẽ treo hai câu đối được viết bằng giấy điều, mực tươi. Công việc này được giao cho những người đàn ông cấp sắc làm (lễ công nhận trưởng thành). Việc dán giấy đỏ giúp căn nhà sáng sủa, tươi mới hơn. Câu đối ngày Tết là bài học nhân sinh, giáo dục thế hệ trẻ những đức tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Mùa xuân tới trên rẻo cao khiến cảnh vật như bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài - Ảnh: Mạnh Nghiệp

Học chữ Nho đầu năm và Tết nhà ngoại

Từ ngày mồng 3 trở đi, thầy cúng trong làng tổ chức một lớp học dạy viết chữ Nho. Lớp học kéo dài từ 5 - 7 ngày. Đây là nét văn hóa độc đáo, thể hiện truyền thống hiếu học, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Dao. Phong tục riêng biệt này cần được bảo tồn và lưu truyền tới thế hệ tương lai.

Lớp học không phân biệt tuổi tác, thứ bậc, trình độ học vấn, ai yêu thích, muốn tìm hiểu đều có thể đăng ký học. Những học trò sẽ đóng tiền và ăn nghỉ luôn tại nhà thầy cúng. Học trò được làm quen với những điều cơ bản nhất như: Tìm hiểu về giấy điều, mực tàu, cách mài mực, các nét chữ cơ bản...Nếu chăm chỉ, miệt mài rèn luyện, chỉ sau một tuần, các học trò sẽ viết được những dòng chữ đơn giản.

Trong quá trình dạy, thầy cúng chia sẻ tới các học trò về nguồn gốc của chữ Nho, đây là chữ Hán được cải biên từ xa xưa. Bên cạnh đó, thầy sẽ kể câu chuyện nhân sinh giáo dục các học trò về: Đạo nghĩa làm người, chữ hiếu với cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng sắt son...Thường các lớp như vậy có đông học trò tham gia, đa phần là các bạn trẻ. Họ muốn tìm hiểu cội nguồn dân tộc, truyền thống văn hóa mà cha ông đã bảo tồn. Bên cạnh đó, lớp trẻ cũng hy vọng tiếp tục gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống giàu ý nghĩa nhân văn.

Sớm mồng 2, người chồng sẽ đưa vợ sang nhà ngoại ăn Tết, thể hiện lòng thành kính với bố mẹ vợ. - Ảnh: Hà Chi

Chị Bàn Thị Thanh, người dân tộc Dao, hiện đang sinh sống tại thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ với PV Thương hiệu & Pháp luật: “Bên cạnh tập tục học chữ Nho dịp đầu xuân, người Dao còn có tục đến thăm nhà ngoại mồng 2 Tết. Ngày này, chàng rể sẽ tới thăm nhà bố mẹ vợ, cần chuẩn bị chu đáo một con gà cúng cùng mâm cơm thịnh soạn, đầy đủ nhất. Chàng rể sẽ thắp hương bàn thờ gia tiên, thể hiện lòng thành kính, hiếu thuận với bên nhà vợ. Tập tục này có từ lâu đời, thể hiện sự trân trọng, biết ơn công lao giáo dưỡng của bố mẹ dành cho người vợ của mình”.

Điều đặc biệt, trong suốt những ngày đầu xuân, người Dao sẽ niêm phong tất cả các công cụ sản xuất, cái cày, cái cuốc, bồ cào được cất gọn dưới kho. Đầu xuân năm mới, họ tuyệt đối không làm việc nặng, không sát sinh, không cãi cọ, xô xát. Với ý nghĩa chào đón một năm mới hòa thuận, hạnh phúc và sum vầy.

Phong tục tập quán đón Tết của người dân tộc Dao rất thú vị, đặc sắc với ý nghĩa cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc, ấm no. Xuân về trên rẻo cao, mang bao ước vọng, khát khao của người Dao về một cuộc sống bình dị, an yên.

Hà Chi - Mạnh Nghiệp

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu