03:38 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đá mỹ nghệ Ninh Vân: Hồn đá - Hồn người

Minh Khuê | 10:13 29/03/2021

(THPL) – Từ những tảng đá vô tri, những nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân đã tạo nên vô số tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chứa đựng cả tâm hồn, trí tuệ và niềm đam mê những giá trị, tinh hoa văn hóa được gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ.

Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình có bề dày lịch sử gần 500 năm. Những công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghiêm trên mảnh đất cố đô như: Đền vua Đinh, vua Lê, nhà thờ đá Phát Diệm hay 500 pho tượng La Hán bằng đá nguyên khối ở chùa Bái Đính.... với những đường nét chạm khắc đá vô cùng tinh xảo là những tác phẩm nghệ thuật minh chứng cho tài năng của những người thợ Ninh Vân từ bao đời nay.

Tác phẩm các vị La Hán tạc bằng đá nguyên khối ở chùa Bái Đính

Theo dòng chảy của lịch sử, nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân có lúc thăng rồi có những đoạn trầm, nhưng Ninh Vân chưa bao giờ lặng ngắt tiếng cắt, tiếng đục đẽo đá, người thợ Ninh Vân luôn gìn giữ, phát huy những giá trị độc đáo cha ông để lại. Nghề không phụ người, khoảng 20 năm trở lại đây, nhu cầu thị trường sử dụng các sản phẩm chế tác từ đá tăng mạnh, nghề đá ở Ninh Vân trở nên phồn thịnh hơn bao giờ hết.

Sản phẩm của làng nghề cũng đa dạng, phong phú hơn rất nhiều, từ những công trình lớn như: tượng đài, tượng thờ, cột trụ cho đến những sản phẩm thờ tự, bia đá, bể cảnh, thống đá, các con giống, tứ linh, tranh đá, ban thờ, lư hương, khánh đá... 

Thợ đá Ninh Vân đang hoàn thiện tác phẩm rồng đá. 

Để tăng năng suất lao động, sản phẩm đạt độ chính xác cao, các cơ sở sản xuất đã sử dụng máy móc công nghiệp trong nhiều khâu, nhưng để những hòn đá vô tri trở nên có hồn, trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, trường tồn cùng thời gian thì những người thợ, nghệ nhân chạm khắc đá Ninh Vân đã phải gửi gắm cả tâm hồn, trí tuệ cùng bao giọt mồ hôi mặn mòi vào từng thớ đá.

Khác với nhiều nghề thủ công khác ở Việt Nam, nghề chế tác đá rất nặng nhọc, đòi hỏi người thợ rất nhiều yếu tố, từ sức khỏe dẻo dai cho đến sự kiên trì, nhẫn nại kết hợp óc thẩm mỹ, đôi bàn tay khéo léo và vốn kiến thức về kiến trúc, điêu khắc tạo hình, hội họa. Chính vì thế, một người thợ đá từ lúc học đến lúc thành nghề phải mất khoảng thời gian ít nhất là 8 năm.

Cho dù nghề khó nhọc là thế nhưng thật đáng mừng, hiện nay, nghề chế tác đá ở đây đạt sự phát triển thịnh vượng. Ông Nguyễn Văn Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề Đá mỹ nghệ Ninh Vân cho biết: "Khoảng 20 năm trở lại đây, 80% số hộ trong xã theo nghề, trong khi trước đó con số này chỉ khoảng 40%. Đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân Ninh Vân cũng theo đó mà phát triển".

Anh Lương Văn Dương, nghệ nhân trẻ tài hoa hiện là chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ quy mô lớn ở Ninh Vân. 

Nghệ nhân trẻ Lương Văn Dương hiện là chủ doanh nghiệp sản xuất đá mỹ nghệ quy mô lớn ở Ninh Vân, người đã có nhiều tác phẩm đá nổi tiếng như: Nụ cười của Đức Phật Di Lặc, Bàn tay đức Phật.., đạt giải cao trong các cuộc thi về thủ công mỹ nghệ. Anh cho biết: “Để gìn giữ, phát huy nghề quý của cha ông, những lớp thợ trẻ chúng tôi tích cực tìm tòi, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất, nhờ đó sản phẩm cũng đa dạng hơn, thời gian thi công nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn thị hiếu, nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, chỉ khi gửi gắm cả tâm hồn, tình cảm, tâm huyết vào đá thì mỗi hòn đá mới có đời sống riêng của mình. Và chỉ khi đó, chúng tôi mới xứng đáng với công ơn của các thế hệ tiền nhân”.

Người yêu nghề tha thiết, nghề không phụ người, nhu cầu thị trường ngày càng lớn, nguyên liệu đá Ninh Bình không đáp ứng đủ nên các hộ sản xuất phải nhập thêm đá từ nhiều nguồn để phục vụ việc chế tác. Sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu sang một số thị trường nước ngoài.  Đặc biệt, những công trình: cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc ở TP Hồ Chí Minh, cụm tượng đài Nghĩa trang Trường Sơn, cụm tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước ở Quảng Trị, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng Bác Hồ ở Nghệ An, tượng Trần Hưng Đạo ở Chí Linh (Hải Dương), tượng đài Hoàng Văn Thụ ở Lạng Sơn, cụm tượng đài Pắc Pó ở Cao Bằng do các nghệ nhân đá Ninh Vân tạo tác mang ý nghĩa thiêng liêng, là niềm tự hào sâu sâu đối với người Ninh Vân. 

Cụm tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước ở Quảng Trị

Để hỗ trợ nghề đá Ninh Vân ngày càng phát triển, chính quyền huyện Hoa Lư đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ sản xuất về vốn và công tác đào tạo nghề. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình cũng đưa vào sử dụng cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân diện tích hơn 30 héc ta nhằm di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4607/QĐ-BVHTTDL, ghi danh Nghề Đá mỹ nghệ Ninh Vân, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Minh Khuê

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu