18:17 ngày 19/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chúa Nguyễn Phúc Chu với việc đặt tên cầu Lai Viễn ở Hội An

15:18 08/04/2023

(THPL) - Hơn 300 năm với tên gọi “Lai Viễn kiều”, công trình này đã để lại rất nhiều dấu trong sự phát triển kinh tế, giao thương cũng như những giá trị văn hóa sâu sắc của Hội An. Với tư chất thông minh và tầm nhìn xa, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đặt tên một công trình để lại cho hậu thế thấy được cái tầm của một vị minh chúa tài đức vẹn toàn.

Lai Viễn kiều hay có tên khác là Chùa Cầu là công trình văn hóa độc đáo nằm trong lòng đô thị cổ Hội An (Quảng Nam). Đây là điểm nhấn thu hút du khách đến với phố Hội. Cây cầu này có kiến trúc rất độc đáo và là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với thành phố cổ kính nằm bên bờ sông Hoài.

Sách “Đại Nam thực lục” ghi chép sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên “Lai Viễn kiều” năm 1719.

Lịch sử của Lai Viễn kiều đã có hơn 300 năm với nhiều tên gọi và nhiều câu chuyện gắn liền. Công trình này cũng đã được trùng tu nhiều lần qua các thời kỳ lịch sử. Chùa Cầu chỉ là tên gọi mà nhân dân vẫn thường dùng vì cây cầu có kiến trúc đặc biệt, có hình dáng như một ngôi chùa nằm trên cây cầu. Tuy nhiên đến nay Lai Viễn kiều vẫn là tên gọi chính thức. Ba chữ “Lai Viễn kiều” bằng chữ Hán vẫn còn hiện diện rất trang trọng và uy nghiêm bên trong của cây cầu.

Cần biết rằng tên gọi “Lai Viễn kiều” được gọi chính thức từ năm 1719. Người đặt tên “Lai viễn kiều” là chúa Nguyễn Phúc Chu – vị chúa thứ 6 thời kỳ chúa Nguyễn trị vì đàng trong. Sự kiện này được sách chính sử triều Nguyễn, mà cụ thể là bộ sách “Đại Nam Thực Lục”, một bộ sách sử nổi tiếng có tính chân thật lịch sử của vương triều Nguyễn đã ghi chép lại. Sách “Đại Nam thực lục” (Phần tiền biên, quyển 8 - Thực lục về Hiển tông Hiếu minh hoàng đế, tờ (trang) số 28 chép rằng: “Kỷ hợi, năm thứ 28 (tức năm 1719), mùa xuân, tháng 3, chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cây cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho”.

Chùa cầu hiện nay là công trình mang nhiều giá trị văn hóa của Hội An (Quảng Nam).

Chúa Nguyễn Phúc Chu thường được gọi là chúa minh hoặc quốc chúa. Ông là người có công lao lớn trong việc mở rộng giao thương với các nước trong thời kỳ ông là người đứng đầu chính quyền chúa Nguyễn. Ông rất coi trọng thương cảng Hội An và đã có nhiều chính sách để thuyền buôn các nước có thể đến Hội An buôn bán. Đó là tầm nhìn xa của một vị chúa trong việc phát triển kinh tế.

Việc chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt cây cầu với tên gọi “Lai Viễn kiều” đã thể hiện được sự tinh tế, khôn khéo trong ngoại giao của ông nhằm kêu gọi thuyền buôn các nước đến Hội An giao thương. “Lai Viễn kiều” có nghĩa là cây cầu những người bạn phương xa. Ngày nay, “Lai Viễn kiều” (Chùa Cầu) vẫn còn hiện diện ở phố cổ Hội An với sự uy nghi. Dù trải qua những lớp bụi của thời gian nhưng không thể phủ nhận vị trí trang trọng của công trình này đối với lịch sử phát triển của phố cổ Hội An.

Tùng Lâm

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu