09:06 ngày 22/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là mong muốn, là khát vọng của toàn thể nhân dân

11:22 30/11/2022

(THPL) - Ngày 29/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Hội thảo diễn ra nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tham dự Hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; cùng các đại biểu tham dự tại các đầu cầu tại Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, có sự tham gia của gần 500 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ ở 3 điểm cầu Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận: Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, do GS. TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành. Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, do GS. TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, điều hành.

Quang cảnh phiên thứ nhất Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ảnh: Internet

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi, xuyên suốt đó là phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, Đảng ta xác định phải tập trung nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới và coi đây là một trong những nhiệm vụ có vị trí đặc biệt quan trọng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kỳ vọng cuộc hội Hội thảo góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Tại phiên thảo luận thứ nhất “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, các đại biểu tập trung làm rõ những lý do, yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định nội dung cốt yếu của các thành tố trong từng hệ giá trị và mối quan hệ trong giữa các hệ giá trị, đặc biệt là hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam; đề xuất phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Trong bài tham luận về tính cấp thiết và những yêu cầu xây dựng “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng đã đưa ra có 6 lý do và 4 yêu cầu để nghiên cứu, xây dựng nhằm triển khai giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị con người chuẩn mực.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, “văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam”, những giá trị cao đẹp, bền vững trong quá khứ phải được bảo vệ, phát huy. Những giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, hiện đại sẽ và chỉ định hình trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, hệ giá trị truyền thống cần được khẳng định là gì thì vẫn chưa có kết luận cuối cùng, nhiều khi còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng, khoảng hơn 20 năm qua, kể từ Đại hội IX (2001) đến nay, chúng ta đã có rất nhiều đề xuất, nghiên cứu về hệ giá trị và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy vậy, các kết quả trên chủ yếu mới chỉ nêu vấn đề, gợi mở, đề xuất song chưa đi tới một kết luận có ý nghĩa, giá trị “pháp lý” cần thiết, một sự đồng thuận cao để có thể tạo nên những hoạt động triển khai có tính thống nhất.

Từ những lý do trên, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng nêu 4 yêu cầu để nghiên cứu, xây dựng để triển khai các hệ giá trị quốc gia, sắp xếp thang giá trị thành một hệ thống nhất sau: Hệ giá trị quốc gia là sự tổng hợp có tầm khái quát cao nhất, tiêu biểu và mang ý nghĩa đặc trưng của quốc gia - dân tộc, được hun đúc từ lịch sử, truyền thống, từ thực tiễn và có giá trị định hướng tương lai; hệ giá trị con người Việt Nam nhấn mạnh và xác định những phẩm chất, đặc tính bao trùm, căn cốt tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh của con người Việt Nam; chuẩn mực văn hóa là sự cụ thể hóa giá trị con người Việt Nam cho các đối tượng khác nhau; hệ giá trị gia đình Việt Nam như một thành tố cơ sở trong thang giá trị…

Tham dự Hội thảo, chia sẻ những giải pháp trọng tâm góp phần xây dựng và triển khai hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, PGS.TS Tạ Quang Đông cho biết: Việc xây dựng các hệ giá trị này là sự nghiệp rất lớn, rất quan trọng và không đơn giản của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là nền tảng để phát triển xã hội, phát huy sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam; vì vậy, đầu tiên rất cần có vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý văn hóa. Trong thời gian qua Bộ VH-TT&DL đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, đẩy mạnh việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, như tuyên truyền cổ động trực quan... tạo được sự hưởng ứng của đông đảo các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân.

Đồng quan điểm, GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: Xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia là một cuộc chiến lâu dài, khó khăn, phức tạp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai một cách đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Công việc này phải được tiến hành bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, không chạy theo hình thức, phong trào.

Dù có nhiều kiến giải khác nhau nhưng các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý đều khẳng định rằng việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là mong muốn, là khát vọng của toàn thể nhân dân. 

Tuấn Kiệt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu