22:34 ngày 30/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Số ca mắc sởi ở miền Bắc tăng đột biến, nhiều bệnh nhân nặng

15:52 21/12/2024

Ca sởi đang tăng tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, nhiều bệnh nhân gồm cả người lớn lẫn trẻ nhỏ trở nặng phải thở máy.

Thông tin trên Báo Vnexpress, số ca mắc sởi tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đang tăng nhanh, nhiều bệnh nhân, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ, diễn biến nặng, phải thở máy. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, chỉ trong tuần qua, thành phố ghi nhận 44 ca mắc mới, tăng 19 ca so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 87 ca mắc tại 23 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nhóm người chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Bệnh viện Nhi Hà Nội, tuyến điều trị cuối cùng của thủ đô, đã tiếp nhận hơn 40 trường hợp từ tháng 10 đến nay, trong đó hơn 30% là ca nặng, phải thở oxy hoặc thở máy. Đáng chú ý, trẻ dưới 1 tuổi, nhóm chưa đến độ tuổi tiêm vaccine, chiếm hơn 40% số ca nhập viện. Nhiều ca đến từ các tỉnh lân cận, có cả trẻ lớn và người từng mắc sởi nhưng chưa tiêm phòng.

Bác sĩ điều trị một bệnh nhi. (Ảnh: VNE)

Không chỉ trẻ nhỏ, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cũng ghi nhận số ca mắc sởi ở người lớn tăng mạnh trong tháng 12. Điển hình, một bệnh nhân nam 38 tuổi ở Thanh Hóa nhập viện trong tình trạng viêm đường hô hấp trên, sốt kéo dài, nổi ban toàn thân, được xác định nhiễm sởi và phải điều trị tích cực.

Tại Hải Dương, một ổ dịch sởi ở phường Tân Dân (Kinh Môn) đã ghi nhận 5 bệnh nhân lây nhiễm từ ngày 4/12. Tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay tại tỉnh này đã tăng lên 18, chủ yếu là trẻ em, với nhiều trường hợp chưa được tiêm vaccine.

Bộ Y tế cho biết, cả nước đã ghi nhận gần 5.000 ca mắc sởi từ đầu năm 2024, cao hơn 111 lần so với năm trước. TP HCM dẫn đầu với hơn 1.800 ca, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Số ca mắc sởi tăng đột biến cũng được ghi nhận tại các tỉnh như Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Nội và Thanh Hóa.

Thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc sởi toàn cầu năm 2024 đạt hơn 10,3 triệu, tăng 20% so với năm 2022, với hơn 107.000 ca tử vong, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.

Chuyên gia nhận định, dịch sởi năm 2024 là kết quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên, kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp. Giai đoạn giãn cách xã hội do Covid-19 khiến nhiều trẻ em bị bỏ lỡ lịch tiêm vaccine. Người lớn cũng chủ quan, coi sởi là bệnh trẻ em, dẫn đến việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi hoặc bội nhiễm. Tiêm vaccine đầy đủ là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Trẻ cần được tiêm mũi đầu tiên từ 9 tháng tuổi, nhắc lại mũi hai khi 15-18 tháng và mũi ba ở 4-6 tuổi. Với người lớn, vaccine MMR (sởi-quai bị-rubella) là lựa chọn an toàn để ngăn ngừa bệnh và biến chứng.

Ngoài tiêm phòng, cần duy trì vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh và tăng cường sức đề kháng. Phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra lịch tiêm chủng của trẻ và đưa con đến cơ sở y tế để tiêm đủ các mũi vaccine, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh đang gia tăng như hiện nay.

Tiến Minh (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu