12:45 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cái tâm vì người nghèo của nghệ nhân ưu tú Võ Văn Tạng

| 10:47 16/01/2018

(THPL) - Ông Võ Văn Tạng, 76 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang là nghệ nhân rất nổi tiếng với những tác phẩm “độc đáo”, đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Nghệ nhân làm tranh bằng chất liệu lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam”.

Điều đặc biệt hơn khi ông là chủ nhân của hơn 20 ngàn bức tranh thực hiện trên nền lá thốt nốt. Đây còn được xem là đặc sản nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh An Giang. Năm 2016, ông Tạng đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Nghệ nhân Ưu tú
Nghệ nhân Ưu tú Võ Văn Tạng.

Riêng câu chuyện thực hiện bản di chúc “khổng lồ” có chiều ngang 1,2m, dài là 2,4m, ông Tạng kể: “… Tôi rất ngưỡng mộ và tôn kính Bác Hồ, là nghệ nhân, tôi luôn tâm niệm phải ra sức và học tập, làm theo gương Bác thông qua các tác phẩm, từ đó tôi thực hiện tác phẩm trên để mọi người trong đó có tôi luôn khắc sâu lời dặn dò của Bác…”.  Hiện nay bản di chúc độc đáo này đang được trưng bày tại Khu du lịch Hồ Thoại Sơn để mọi người thưởng lãm.

Ông Tạng kể lại cơ duyên của mình với những tác phẩm từ lá cây thốt nốt: “… Trước đây tôi có thử nghiệm vẽ tranh trên lá cây Thiên Tuế, mạt cưa nhưng không thật hài lòng. 20 năm trước, trong lần tình cờ đi công tác tại xã Vọng Thê, tôi phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn và độ bền của lá thốt nốt, loại nguyên liệu này để lâu màu sắc không thay đổi, mối mọt không cắn phá làm hư hỏng, có thể lưu giữ hàng trăm năm, vậy là tôi bắt đầu làm thử một số tranh trên lá này. Rất mừng là tôi đã thành công cho đến hôm nay…".

“Nghệ nhân làm tranh bằng chất liệu lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam”.
Ông Võ Văn Tạng được xác lập kỷ lục “Nghệ nhân làm tranh bằng chất liệu lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam”.

Tác phẩm đầu tiên ông thực hiện có tên “Tùng Hạc” có kích thước 40cm x 60cm, thời gian thức hiện khoảng 7 ngày. Tiếp theo đó ông vẽ tranh phong cảnh quê hương, đất nước, làng quê. Điều rất đặc biệt ở ông là trong số hơn 20 ngàn bức tranh mà ông thực hiện, có khoảng 50% là tranh chân dung về Bác Hồ và Bác Tôn với suy nghĩ: Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại của toàn dân, còn Bác Tôn sinh ra ngay trên quê hương An Giang này.

Theo ông Tạng, muốn thành công ở thể loại mỹ thuật độc đáo này, người thực hiện phải biết chịu khó, có óc thẩm mỹ, sáng tạo, tư duy, phát hiện cái mới, cái thần trong từng tác phẩm. Cạnh đó, cần sử dụng bút lửa phù hợp với nhiều nhiệt độ khác nhau. Cái khó tiếp theo là công đoạn dán lá thốt nốt thật khéo léo, không gồ ghề. Về nguyên liệu phải chọn lá non, phơi nắng hanh khô, cắt gọn ngay ngắn trước khi dán. Lá này thường chọn từ loại cây trên 20 năm tuổi.

Khi bắt đầu mở cơ sở, ông ưu tiên chọn học viên là các em khuyết tật, các em xuất thân trong gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi em học nghề không phải đóng học phí mà còn được ông trợ cấp 1,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi thuần thục, tùy theo tay nghề ông trả lương từ 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Đây thực sự là điểm tựa, là chiếc phao cứu sinh cho nhiều gia đình nghèo tại địa phương.

Em Lâm Trang Trúc Linh, 20 tuổi, bị khuyết tật bẩm sinh không nói và nghe được. Khi ông Tạng nhận vào đây học việc, em không biết chữ nhưng sau một năm học nghề, em đã biết viết, biết mặt chữ từ sự dạy dỗ của ông. Hiện mức lương của em là 3,5 triệu đồng/tháng.

Học viên tại cơ sở của ông Tạng
Học viên tại cơ sở của ông Tạng.

Ngoài việc dạy nghề miễn phí, nhận làm tại chỗ đối với các học viên, ông còn dạy bảo các em về lối sống, đạo đức, sống nhân nghĩa, thủy chung, biết sống vì mọi người, tự lực vượt khó, thương yêu người nghèo khó, sống, lao động, học tập theo gương Bác Hồ

Hôm chúng tôi đến, ông phấn khởi thông tin đã thử nghiệm thành công các bức tranh vẽ trên nguyên liệu vỏ trấu vàng, vỏ trứng. Ông cho biết: Các nguyên liệu này có độ bền cao, giá mua rẻ, dễ tìm, cho màu thuận lợi, độ sắc sảo sẽ cao hơn tranh vẽ trên lá thốt nốt, giá thành tác phẩm phù hợp với túi tiền người yêu thích.

Hiện tại, nghệ nhân Võ Văn Tạng đang ấp ủ ước muốn mở rộng cơ sở sản xuất để thu hút thêm các trẻ em khuyết tật, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiếp tục cho ra đời những tác phẩm độc đáo hơn nữa để quảng bá đến người hâm mộ trong và ngoài nước những sản phẩm “cây nhà lá vườn” có nguồn gốc từ An Giang - quê ông - bằng lòng đam mê nghệ thuật, cái tâm của một người luôn sống vì người nghèo, trẻ em bất hạnh.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu