14:07 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bánh phu thê Đình Bảng – Trăm năm trọn nghĩa vẹn tình

08:33 29/05/2021

(THPL) – Chiếc bánh hòa quyện hương vị dẻo thơm, ngọt ngào, ngậy bùi từ những nguyên liệu thiên nhiên dân dã, chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về tình cảm vợ chồng son sắt, tình nghĩa con người thủy chung, có nguồn gốc từ vùng đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa lịch sử - đó là bánh phu thê Đình Bảng.

Nhắc tới Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, người ta không chỉ nhắc tới một vùng đất địa linh nhân kiệt với Đền Đô linh thiêng nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, hay những điệu quan họ làm say đắm lòng người, nơi đây còn nổi tiếng với món bánh phu thê ngọt thơm. Chiếc bánh nhỏ bé chứa đựng triết lý về tình yêu đôi lứa thủy chung, tình nghĩa người với người chở che, ôm ấp, trước sau như một.

Có rất nhiều sự tích để giải thích nguồn gốc, tên gọi chiếc bánh phu thê. Có chuyện kể rằng, khi vua Lý Anh Tông xuất chinh, hoàng hậu Chiêu Linh đã đích thân vào bếp làm ra món bánh gửi theo chồng mang đi đánh trận. Nhà vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình cảm vợ chồng nên đặt tên bánh là phu thê.

Bánh phu thê Đình Bảng chứa đựng triết lý tình nghĩa vợ chồng son sắt, tình người thủy chung, trước sau như một. 

Hay sự tích khác đó là có đôi vợ chồng người lái buôn, khi người chồng phải đi làm ăn xa, người vợ làm bánh để chồng mang ăn đường và thề rằng, tình cảm vợ chồng sẽ luôn đậm đà, không bao giờ thay đổi. Từ đó tên gọi bánh phu thê ra đời. 

Từ ý nghĩa cao đẹp được gửi gắm trong tấm bánh khiến bánh phu thê trở thành món không thể thiếu trong mâm lễ vật cưới hỏi hay dịp lễ dâng hương Đền Đô và các lễ trọng của người Kinh Bắc.

Bóc lớp lá dong xanh ngoài cùng và lớp lá chuối bên trong sẽ lộ ra chiếc bánh phu thê nhỏ nhắn, vuông vắn vừa lòng bàn tay óng ánh màu vàng hổ phách. Vỏ bánh vàng trong, đủ nhìn rõ phần nhân đỗ xanh xen lẫn dừa nạo sợi mỏng manh kích thích vị giác.

Cắn nhẹ miếng bánh, lan tỏa nơi đầu lưỡi là vị ngọt thanh, dẻo thơm của vỏ bánh làm từ tinh bột nếp, thỉnh thoảng lẫn vào sợi đu đủ dai dai, giòn giòn. Quyện cùng lớp vỏ bánh, nhân đậu xanh bùi ngậy hòa trộn với hạt sen thơm, sợi dừa béo, tất cả tạo nên tuyệt phẩm bánh phu thê khiến ai một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên.

Để làm ra đặc sản bánh phu thê nổi danh, người thợ Đình Bảng phải dồn cả tâm huyết và sự tinh tế với nhiều công đoạn thật tỉ mỉ.

Gia đình chị Hằng (cơ sở bánh phu thê Lụa Xuân nổi tiếng) tất bật làm bánh. 

Vỏ bánh nhất định phải làm từ nếp cái hoa vàng, mà phải là nếp tháng 10 mới đạt độ dẻo đúng yêu cầu. Nếp cái gom đủ số lượng, xay mịn thành bột nước, sau nhiều lần chắt lọc sẽ cho ra tinh bột nếp. Chỉ tinh bột nếp mới làm ra được vỏ bánh trong vắt lại dẻo dai chứ không phải bột nếp thông thường như nhiều người nhầm tưởng. Tinh bột nếp được phơi thành bột khô, bảo quản kỹ càng để dành dùng quanh năm.

Dùng một chiếc thau lớn, người thợ nhào trộn tinh bột nếp cùng đu đủ xanh nạo sợi đã ướp màu vàng óng, thứ màu được chiết từ quả dành dành dân dã, thêm đường kính trắng theo tỉ lệ cùng chút tinh dầu chuối, sao cho thật đều, dẻo mịn, thế là xong phần vỏ bánh.

Nước chiết từ quả dành dành tạo nên màu vàng óng ả của bánh phu thê mà không loại màu nào thay thế được.

Đậu xanh đãi vỏ đồ chín, giã nhuyễn, trộn cùng nước cốt dừa béo, dừa nạo, hạt sen thơm, đường kính trắng, vani làm nhân bánh.

Công thức chung là vậy, tuy nhiên, mỗi gia đình làm bánh ở Đình Bảng có một bí quyết riêng nên hương vị bánh của từng cơ sở sản xuất sẽ có sự khác biệt.

Chị Nguyễn Thị Hằng (cơ sở bánh phu thê Lụa Xuân ngon nổi tiếng Đình Bảng) cho biết: "Gia đình tôi đã 5 đời làm bánh phu thê. Để làm ra một chiếc bánh thơm ngon, việc đầu tiên nguyên liệu đầu vào phải thật chuẩn. Tỉ lệ các nguyên liệu hòa trộn với nhau sẽ tạo ra hương vị bánh riêng của mỗi nhà". 

Quết một lớp mỏng dầu ăn lên tấm lá chuối tây đã được lau rửa sạch sẽ, hong khô, đôi tay người thợ Đình Bảng thoắt thoắt gấp lá, buộc lạt tạo nên chiếc bánh phu thê vuông vức.

Bánh phu thê hấp chín chừng 1 tiếng rưỡi vớt ra ép ráo nước, định hình sẽ được gói thêm lớp l lá dong tươi xanh ngoài cùng cho thật bắt mắt. Cứ một cặp bánh sẽ được buộc với nhau bằng một sợi lạt hồng tượng trưng cho sợi tơ hồng se duyên, tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng khăng khít không rời. Cặp bánh mang nghĩa phu thê còn mang cả nghĩa tình nước non quê nhà thắm đượm, thủy chung.

Bánh phu thê sau khi vớt ra, ép ráo sẽ được buộc thành từng cặp bằng sợi dây lạt hồng. 

Bánh phu thê làm bằng những nguyên liệu tự nhiên nên chỉ để được từ 3-4 ngày. Thưởng thức bánh ngon nhất là khi bánh đã nguội hẳn, lúc này bánh đã se lại vừa có độ giòn và dai. Hương vị thanh tao, quyến rũ của bánh phu thê khiến bất kì ai thưởng thức một lần đều khó có thể quên được. Chả thế mà bánh phu thê đã theo chân du khách đi khắp mọi miền tổ quốc, trở thành món quà không thể thiếu đối với ai đến Đền Đô, đến Đình Bảng. 

Hằng năm, vào dịp lễ hội Đền Đô, ngoài nhiều chương trình phục vụ du khách thì gói bánh phu thê là một nội dung không thể thiếu, thu hút sự tham gia đông đảo của các đoàn viên thanh niên địa phương và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của du khách.

Đây là cách mà chính quyền địa phương, bà con Đình Bảng dùng để quảng bá đặc sản, văn hóa truyền thống địa phương, đồng thời khuyến khích những thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy nghề qúy của cha ông với niềm tự hào sâu sắc. 

Hương vị thanh tao, tinh tế của bánh phu thê khiến ai thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, chủ cơ sơ bánh phu thê Lụa Xuân, người gắn bó với nghề làm bánh phu thê đã gần 50 năm cho biết, trước kia, bánh phu thê chỉ làm trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, cỗ bàn.... nhưng chừng hơn 20 năm trở lại đây, gia đình bà cũng như các hộ làm nghề ở Đình Bảng sản xuất để kinh doanh. Chinh phục được thực khách bởi hương vị tinh tế, độc đáo, nên công việc kinh doanh của gia đình bà ngày càng phát triển. 

Tấm bánh phu thê ngọt ngào, dẻo thơm thấm đượm nghĩa tình, văn hóa vùng Kinh Bắc đem lại thu nhập đáng kể, giúp cuộc sống của người dân nơi đây thêm phần sung túc. Đến nay, phường Đình Bảng có hơn 100 hộ gia đình làm nghề. Người lớn truyền nghề cho lớp trẻ, cứ thế, tinh hoa văn hóa ẩm thực của cha ông được gìn giữ, trao truyền, trở thành niềm tự hào của người dân vùng Kinh Bắc nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. 

Thảo Nguyên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu