08:49 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Làng nghề bánh giầy Khánh Lợi - Nơi lưu giữ hương vị truyền thống

14:06 27/04/2023

(THPL) - Về với Yên Khánh (Ninh Bình) chúng ta không thể bỏ qua 1 điểm đến vô cùng thú vị, đó là xã Khánh Lợi. Là một xã thuần nông với tập quán canh tác lúa nước từ lâu đời nhưng Khánh Lợi lại hội tụ những phong tục truyền thống phong phú, độc đáo. Đặc biệt nhất là phong tục giã bánh giầy vào mùng 10 tháng 2 Âm Lịch hằng năm.

Yên Khánh (Ninh Bình) - một vùng đất đã được hình thành từ lâu đời. Trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, đất và người nơi đây đã gắn bó, hòa quyện với nhau tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc. Nơi đây nổi tiếng với những loại bánh được làm ra từ hạt gạo của nghề nông như bánh giầy, bánh đa, bánh đúc, bánh khúc, bánh rán, bánh nếp, bánh chưng, bánh khoái, bánh mật... Mỗi loại bánh hầu như được truyền nghề qua các thế hệ của người con quê hương. 
Nổi tiếng với nghề làm bánh giầy, xã Khánh Lợi luôn chú trọng lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của địa phương, trở thành nét đẹp văn hóa riêng của đất và người nơi đây. Làng nghề ẩm thực truyền thống không chỉ giải quyết việc làm cho người dân những lúc nông nhàn, mà còn góp phần cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho nhiều gia đình trong xã. 

Bánh giầy có từ thời vua Hùng thứ 6, tượng trưng cho Trời. Qua sinh hoạt cùng tập quán canh tác lúa nước, nhân dân xã Khánh Lợi đã tiếp thu, sáng tạo nên phong tục giã bánh giầy dịp đầu Xuân.

Quy trình làm bánh giày.

Những chiếc bánh giầy tuy giản dị thế thôi nhưng lại mang trong mình ý nghĩa sâu sắc. Nó là hình ảnh của quê hương bởi nó được làm từ những "hạt ngọc thực" nảy nở trên mảnh đất quê nhà dưới bàn tay cần mẫn của những người nông dân. Những chiếc bánh tròn trịa, thơm ngon tượng trưng cho sự tôn kính của nhân dân ta với các bậc thần linh, tổ tiên và mong ước của nhân dân về một cuộc sống ấm no, đủ đầy. Hơn nữa, vào những ngày đầu xuân, người thân, con cháu trong gia đình, họ hàng làng xóm đã có dịp quây quần bên nhau. Bên những chiếc cối đá, trẻ con tíu tít chạy xung quanh, người lớn vừa giã bánh vừa chia sẻ về những dự định trong năm của mình. Phong tục còn khẳng định vai trò to lớn của nền nông nghiệp canh tác lúa nước đối với đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân ta. 

Vào mỗi dịp tháng 2, mùa Xuân về rõ nét hơn với những người con Khánh Lợ. Họ khoác lên mình những tấm áo mới đầy màu sắc để đi dự Lễ Hội dâng bánh giầy tại đình Bắc vào ngày 10 tháng 2 Âm Lịch hằng năm. Lễ hội như mở ra cánh cửa để mỗi người ngược dòng thời gian, trở về những ngày xưa cũ, với những câu chuyện, giai thoại lịch sử. Đây cũng là thời điểm để mỗi người tham gia lễ hội được hòa mình vào đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân bản địa, được trải nghiệm những phong tục, tập quán đặc sắc của làng quê Bắc Bộ ở thời điểm rực rỡ và tươi đẹp nhất. 

Lễ hội bánh giầy đình Bắc, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Theo ông Phạm Văn Quế- người dân xóm Bắc với truyền thống giã bánh tại gia đình đã hơn 60 năm cho biết: “Khi xưa, cả xã Khánh Lợi có 3 xóm có phong tục giã bánh là xóm Bắc, xóm Thượng và xóm Cống. Nhưng ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, của đời sống xã hội, hầu hết thế hệ trẻ đều đi làm xa quê, không có người kế tục, phong tục đang dần mai một đi, mỗi xã chỉ còn lại một vài gia đình vẫn tiếp tục giữ gìn và phát huy”. 

Để làng nghề truyền thống ở địa phương được duy trì và phát triển bền vững, Đảng ủy, UBND xã Khánh Lợi tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân phát triển nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề; mở các lớp tập huấn đảm bảo an toàn thực phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ làm nghề. Đồng thời, địa phương xây dựng đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng nhằm góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề với du khách, đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân làng nghề.

Trước thực trạng về một phong tục truyền thống tốt đẹp và mang đậm tính văn hóa vùng miền như thế đang dần biến mất, rất cần thế hệ trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa và các phong tục truyền thống của dân tộc để từ đó có những việc làm thiết thực. Muốn vậy, mỗi chúng ta cần phải có lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, biết trân trọng và gìn giữ truyền thống cho mai sau. Hãy hành động từ hôm nay, vì quá khứ và cả tương lai! 

Mai Ngọc

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu